Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm hướng dẫn bùng tiền vay qua ứng dụng (app vay tiền) hoặc qua web. Các hội nhóm hoạt động công khai mà không biết rằng việc làm của mình có thể là phạm pháp.
Lợi dụng kẽ hở trong quy trình duyệt hồ sơ của các app, web, thậm chí việc xác minh các thông tin cung cấp của người vay còn không được tiến hành, nên nhiều người đã tìm cách vay và bùng tiền với các chiêu qua mặt app tinh vi, ví dụ như việc “nuôi” app để dễ dàng bùng được món nợ lớn. Lúc đầu, họ vay và trả nợ đầy đủ, đúng hẹn, nhờ vậy tạo được uy tín và được nâng hạn mức vay lên. Đến lúc này, họ mới bùng tiền để được một món lớn. Và đương nhiên những thông tin mà họ cung cấp cho các app chỉ là thông tin ảo, sim điện thoại rác…
Nhiều người trên các hội nhóm còn khoe “thành tích” bùng nợ của mình kèm theo đó là lời mời chào: “Bên mình nhận cày lại danh bạ của bạn…”, “Bên mình giúp bạn bùng 3 bước: trấn an người thân, chuyển cuộc gọi, đính chính trên mạng xã hội nên sẽ giảm được tối đa mức độ thiệt hại về tinh thần cho các bạn”, và có cả quảng cáo dịch vụ làm chứng minh nhân dân, căn cước giả, hóa đơn thanh toán… cho ai có nhu cầu.
Có thể tìm thấy rất nhiều hội nhóm dạy nhau bùng tiền qua app trên mạng xã hội.
Trong các hội nhóm trên cũng có ý kiến cảnh báo những hình thức “giúp đỡ” đó thực ra là chiêu trò của các app để người vay tin rằng việc bùng nợ qua app là dễ dàng, từ đó họ sẽ lựa chọn việc vay tiền qua app. Còn trên thực tế, các app có rất nhiều cách để đòi được số tiền họ đã cho vay.
Các hội nhóm mách nhau bùng nợ hoạt động công khai trên mạng xã hội gây bất ổn về an ninh trật tự. Họ chia sẻ, hướng dẫn nhau nhiệt tình mà không nghĩ rằng những việc làm của họ có thể đã vi phạm pháp luật.
Hiện này hoạt động vay tiền online qua app, web đang có những diễn biến khá phức tạp, đã xuất hiện nhiều app cho vay tiền với lãi suất cắt cổ. Cả hai hiện tượng cho vay lãi nặng và quỵt tiền vay đều đáng lên án và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hành vi sử dụng thông tin giả mạo để vay tiền online qua app, web rồi quỵt nợ, có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bên cạnh đó, những người kích động, xúi giục, “vẽ đường chỉ lối” cách lừa đảo, hoặc cung cấp những điều kiện cần thiết cho người thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên, có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.
Về một số cá nhân có những hành vi sử dụng chứng minh nhân dân giả, đưa ra những thông tin không đúng về nhân thân, thông tin sai về công việc, lợi dụng app vay tiền để vay tiền với mục đích sử dụng chi tiêu cá nhân, đến thời hạn trả nợ nhưng không trả, được thể hiện qua các hành vi như bùng nợ, tắt máy, bỏ trốn, tìm mọi cách để trốn tránh không trả nợ theo đúng quy định, điều kiện của app…, nếu đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của cá nhân nêu trên thể hiện qua các hành vi gian dối ngay từ đầu nhằm mục đích để chiếm đoạt tiền từ các tổ chức, cá nhân thông qua sử dụng dịch vụ app cho vay thì có thể có dấu hiệu của tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015:
“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”… Chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên sẽ bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc chung thân.
Chính vì vậy, người dân nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ các quy định thỏa thuận đối với các app tín dụng khi vay tiền, tránh gặp phải những hậu quả không đáng có.
Nếu có nhu cầu vay vốn phục vụ chi tiêu cá nhân thì nên tìm hiểu từ những tổ chức tín dụng uy tín của các ngân hàng, tại đây các tổ chức nêu trên sẽ có các chính sách cụ thể về lãi suất vay, thời hạn vay, lãi vay… và có các chính sách đảm bảo điều kiện cho người dân.