Dám hoài nghi, dám tin và dám phản biện

in tu •  5 years ago 

Tôi thường nhận được bản tin từ trường con trai đang theo học tại Mỹ gửi cho phụ huynh. Là trường top đầu trong 25 năm về đào tạo doanh nhân và tinh thần khởi nghiệp, mỗi bản tin đều giới thiệu ít nhất một dự án khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên.

Mới đây, tôi ấn tượng với dự án của một sinh viên năm thứ hai, Max Feber, với sáng chế máy pha cà phê lạnh. Khác với người Việt chuộng cà phê đá, người Âu, Mỹ cho rằng đá sẽ làm hỏng hương vị nguyên thủy của cà phê dù họ cũng yêu thích những ly cà phê lạnh trong ngày hè. Feber đã tìm ra giải pháp qua công nghệ pha chế mà không dùng đá. Khi những giọt cà phê chảy ra từ vòi, chúng đã mát lạnh. Cậu nhận được 50.000 USD để phát triển dự án từ một quỹ đầu tư vào ngày 6/1.

Điều tôi ấn tượng là chàng trai 20 tuổi đã lội ngược vết mòn tư duy có sẵn, rằng cà phê vừa pha hiển nhiên phải nóng. Sự sáng tạo đó đã ra đời bởi cách tư duy được văn hóa phương Tây khuyến khích và có hẳn một cụm từ dành cho nó “Think out of box” (Tư duy đột phá).
Phan-bien-800x445.jpg
Cuộc sống tiện nghi hôm nay của chúng ta là kết quả của những phát kiến và sáng tạo đến từ cách nghĩ vượt khỏi khuôn khổ thông thường. Henry Ford đã mang xe hơi tới tay giới trung lưu Mỹ khi cả xã hội chỉ mong chờ “một chiếc xe ngựa chạy nhanh hơn”. Chiếc Walkman tạo ra làn sóng thưởng thức âm nhạc theo nhịp bước của xã hội bận rộn ra đời từ khoảnh khắc ông chủ Sony thấy một chàng trai ôm cassette nhún nhảy trên đường. Và ngày nay, khi vi vu trên trời, bạn nên cám ơn anh em nhà Wright – những người đã thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 1903 trên chiếc máy bay tự chế. Họ đã đủ can đảm để hoài nghi kiến thức phổ thông ngày đó, rằng những gì nặng hơn không khí đều không thể bay được.

Tư duy đột phá không chấp nhận “khuôn vàng thước ngọc”. Nhưng khuôn thước đó lại như một luật bất thành văn cho mỗi chúng ta, từ khi đời sinh ra đời đến lúc trưởng thành. Từ ấu thơ, ta đã nghe những lời cấm đoán của cha mẹ, ông bà, để luôn nép mình trong vòng tay của người lớn. Khi tới trường, thay vì được thỏa chí tò mò, khám phá thế giới xung quanh, chúng ta được khen ngoan khi khoanh tay ngồi yên trong lớp. Cả 12 năm đèn sách, những bài văn thay vì cảm thụ cá nhân bị thế bằng văn mẫu. Tấm luôn phải dịu hiền song đem đến kết cục ghê rợn với Cám và người mẹ ghẻ. Và khi đi làm, sếp phải luôn đúng, chỉ kẻ nào bất mãn mới “bật” lại sếp.

Có nhiều người đổ lỗi cho văn hóa lúa nước và văn hóa làng xã được định hình từ hàng nghìn năm trước. Điều đó đúng trong quá khứ, khi ông cha ta phải “trông trời trông đất trông mưa” để làm mùa. Sự giao thương xã hội chỉ có ở những phiên chợ làng, họp hai buổi mỗi tuần trăng. Nhưng Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là văn minh lúa nước, tại sao Nhật Bản là quốc gia đứng thứ ba, Samsung trong nhóm công ty đứng đầu thế giới về số lượng đăng ký bản quyền sáng chế năm 2017, theo số liệu của WIPO?

Ý tưởng đột phá chỉ sống được trong môi trường coi trọng sự phản biện. Nếu thiếu phản biện, con người và xã hội sống trong ảo vọng và thường lạc lối. Dung dưỡng sự phản biện là con đường để nhìn nhận và đánh giá sự việc, hiện tượng đa chiều, để tận dụng được trí tuệ của mỗi người và tìm được sự đồng thuận thực chất.

Gần 20 năm qua, công việc giúp tôi làm việc gần gũi và trực tiếp với hàng trăm CEO Việt. Tôi nhận thấy như một quy luật: sự thành công ban đầu của một doanh nghiệp phần lớn phụ thuộc vào sự quyết đoán, đôi khi đến độc tài của người sáng lập. Nhưng chỉ là với giai đoạn đầu, khi đã phát triển đến một ngưỡng nhất định, tổ chức đó hoặc dừng lại hoặc chỉ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nếu có những con người có tư duy độc lập, phản biện để hỗ trợ người chủ. Năng lượng giúp tổ chức đó bật lên và phát triển đột phá luôn là kết quả của những cuộc tranh luận nảy lửa giữa các ý kiến trái chiều. Ở điểm ngưỡng này, sự quyết đoán quá mức của người chủ lại luôn là “tử huyệt” cho tương lai doanh nghiệp.

Quy luật này thể hiện rõ nét trong một tập đoàn lớn của Việt Nam mà tôi đã cộng tác từ những ngày đầu thành lập. Cách đây hơn 15 năm, trong buổi sơ khai, môi trường làm việc của họ đậm đặc chất lính. “Quân lệnh như sơn” từng là yếu tố quyết định để tập đoàn nhanh chóng đi những bước đột phá trên thị trường. Gần đây, người đứng đầu – linh hồn của tập đoàn một thời, khi chia sẻ bài học thành công, đã nhắc đến bí quyết xây dựng “giới tinh hoa trong 5% nhân lực của tổ chức”. Tôi hiểu rằng, họ đã chuyển mình theo công thức “nghĩ ngoài chiếc hộp”, khai thác think-tank nội bộ để duy trì tầm vóc hiện tại của mình.

Cụ Phan Chu Trinh, trong “Mười điều bi ai của dân tộc”, đã than: Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.

Số phận mỗi người, và rộng hơn là của cả một dân tộc, có thể thay đổi nếu nhà điều hành trân trọng sự phản biện. Chúng ta không có lỗi khi sinh ra là hậu duệ của lớp cha ông vốn suy nghĩ thủ cựu như lời cụ Phan. Nhưng sẽ có tội nếu những người có trọng trách không khuyến khích và nuôi dưỡng tư duy đột phá cho thế hệ ngày nay.

Authors get paid when people like you upvote their post.
If you enjoyed what you read here, create your account today and start earning FREE STEEM!
Sort Order:  

Source
Plagiarism is the copying & pasting of others work without giving credit to the original author or artist. Plagiarized posts are considered spam.

Spam is discouraged by the community, and may result in action from the cheetah bot.

More information and tips on sharing content.

If you believe this comment is in error, please contact us in #disputes on Discord

Hi! I am a robot. I just upvoted you! I found similar content that readers might be interested in:
https://vnexpress.net/goc-nhin/dam-hoai-nghi-3901615.html