Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa ban hành Nghị quyết Hướng dẫn về việc xử lý tội phạm "tín dụng đen", theo quy định tại Điều 201 - Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hình phạt của tội danh gắn với điều luật này là chưa đủ sức răn đe. Vào tù ngay cả khi chưa thu được lời bất chính
Hướng dẫn trong Nghị quyết, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao giải thích “Cho vay lãi nặng” (Điều 201 - Bộ luật Hình sự năm 2015) là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1, Điều 468 - Bộ Luật Dân sự (lãi suất, mức lãi suất vay tiền theo thỏa thuận không vượt quá 20%/năm; nếu thỏa thuận không rõ thì sẽ là 10%/ năm).
Đối với trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải tiền), Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chỉ rõ cơ quan chức năng cũng như các bên phải quy đổi tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
Một số đối tượng trong đường dây "tín dụng đen" vừa bị lực lượng công an triệt phá. |
Nghị quyết Hướng dẫn về việc xử lý tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" cũng đã đề cập chi tiết nhiều trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, khi có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Đơn cử, nếu người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản...) sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng (nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm), bên cạnh tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Hay người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, nhưng chưa thể thu lợi (vì nguyên nhân ngoài ý muốn) hoặc thu lợi bất chính dưới 30 triệu đồng.
Với trường hợp trên, cơ quan pháp luật có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng, với tổng số tiền thu lợi bất chính mà người cho vay nhằm đạt được. Khi quyết định hình phạt, tòa án áp dụng quy định pháp luật hình sự về phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt.
Tương tự, Nghị quyết cũng hướng dẫn các cơ quan tố tụng hình sự cách xử lý người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, có số tiền thu lợi bất chính mỗi lần phạm tội từ 30 triệu đồng trở lên.
Nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, người cho vay lãi nặng còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “phạm tội 2 lần trở lên”.
Hình phạt nhẹ "tín dụng đen" sẽ vẫn nảy nòi
Nói về tội "Cho vay lãi nặng", theo Điều 201 - Bộ luật Hình sự, luật sư Nguyễn Quang Tiến (VPLS Đặng Sơn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, cho vay lãi nặng (ngôn ngữ dân gian thường gọi là “tín dụng đen”) là tình trạng khá phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay với nhiều cách thức, thủ đoạn tinh vi.
Theo quy định pháp luật, việc cho nhau vay mượn tiền bạc là chuyện hết sức bình thường trong đời sống. Tuy nhiên, nếu cho nhau vay tiền với lãi suất cao đến một mức nào đó sẽ có tác động vượt ra ngoài khuôn khổ của giao dịch và ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế, trật tự an toàn xã hội.
Hiện nay, mức lãi suất cao nhất trong Bộ luật Dân sự quy định là 20%/ nợ gốc/ năm. Và hành vi cho vay lãi nặng được quy định là tội phạm theo Điều 201 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, hành vi cấu thành tội này là cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức tối đa quy định trong Bộ luật Dân sự trở lên, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi thấp hơn nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Và người phạm tội danh này có thể bị phạt tù tối đa đến 3 năm.
Luật sư Tiến nhìn nhận, thực tế hoạt động cho vay lãi nặng diễn ra khá phổ biến với nhiều hình thức và đi đôi với đó là tình trạng người cho vay dùng nhiều thủ đoạn vi phạm pháp luật để đòi nợ gây ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe thậm chí là tính mạng của người vay nhưng tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” vẫn chưa được áp dụng nhiều để xử lý các đối tượng phạm tội.
Một phần là do những vướng mắc của các cơ quan tiến hành tố tụng trong áp dụng pháp luật, dẫn đến hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm chưa cao. Cũng chính vì thế mà TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết Hướng dẫn về hoạt động áp dụng quy định tại Điều 201 - Bộ luật Hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Trong đó giải thích rõ ràng về thuật ngữ, khái niệm “cho vay lãi nặng”, “thu lợi bất chính” là gì... Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng hướng dẫn cụ thể về cách tính số tiền thu lợi bất chính. Trên cơ sở đó, hệ thống tòa án trên cả nước sẽ áp dụng quy định tại Điều 201 - Bộ luật Hình sự một cách thống nhất trong quá trình đấu tranh, phòng chống các hành vi cho vay lãi nặng một cách hiệu quả hơn.
Cũng theo luật sư Nguyễn Quang Tiến, tình trạng "tín dụng đen" hiện vẫn diễn ra khá phổ biến và thậm chí ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn, gây nguy hiểm đối với xã hội nhưng công tác đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong đợi.
Hơn nữa, "tín dụng đen" còn là nguyên nhân phát sinh ra nhiều loại tội phạm khác nhưng hình phạt đối với tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" chưa đủ mạnh, cao nhất cũng chỉ là 3 năm tù. Do đó, đối với những đối tượng cho vay lãi có hệ thống, theo đường dây và thu lợi bất chính hàng tỷ đồng mỗi năm thì chế tài như hiện nay là không đủ sức răn đe.
Theo ANTĐ (8.2.2022)
Xem thêm: Vay Tiền Online | App Vay Tiền