Báo điện tử VTC News phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng tổ chức Tọa đàm “Toàn cảnh ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam”.
Video: Toàn cảnh ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam
Tham dự hội thảo có ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương); bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam; PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính); Ông Võ Đan Mạch- Chánh văn phòng, Ông Phạm Văn Cao - Phó trưởng Phòng Điều tra và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Ông Nguyễn Phương Sơn - Trưởng ban Đối ngoại và Truyền thông Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam.
Theo đại diện Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), bán hàng đa cấp là một ngành được thế giới công nhận và được điều chỉnh chặt chẽ bởi pháp luật Việt Nam. Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chính thống ở Việt Nam đã tồn tại, phát triển trong gần 20 năm qua và đến nay ngành bán hàng đa cấp đã cơ bản được định hình, hoạt động trong quy củ, dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.
Cụ thể, tính đến hết năm 2020, trên thị trường có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp hoạt động hợp pháp, đạt doanh thu hơn 15.400 tỷ đồng năm 2020 với tổng số lượng người tham gia hơn 800.000 người. Tổng số thuế các doanh nghiệp đã nộp về ngân sách nhà nước đạt hơn 1.800 tỷ đồng.
Các khách mời tham gia tọa đàm (từ phải qua trái): PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính); bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam; ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương).
Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động chính thống, còn có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp để thu hút đầu tư, hoạt động bất hợp pháp như hoạt động của hệ thống Gold Time Coffee, dự án “OWIFI”, My Aladin…; các mô hình đầu tư tài chính, ngoại hối như Lion Group, Liber Forex...
Các chuyên gia kinh tế cho rằng hoạt động kinh doanh đa cấp hợp pháp có thể mang lại thu nhập và cơ hội thành công cho nhiều người, song người dân cần tỉnh táo phân biệt mô hình kinh doanh đa cấp chính thống và kinh doanh đa cấp bất chính để có nhận thức đúng đắn, tránh các rủi ro không đáng có cả về tài sản và pháp lý.
Thực tế cho thấy, những năm qua đã có nhiều người tham gia bán hàng đa cấp và thành công, có thu nhập cao song cũng có một số người dân chưa hiểu rõ về bán hàng đa cấp, bị dẫn dụ tham gia vào các hình thức đa cấp biến tướng, chịu tổn thất về sức khoẻ và tiền bạc.
Từ đó đặt ra các vấn đề những ai nên tham gia bán hàng đa cấp? Việc tham gia bán hàng đa cấp có thể giúp tất cả thành công và có thu nhập cao? Khi bị lợi dụng vì bán hàng đa cấp bất chính, người dân cần làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình? Giải pháp nào để chẩm dứt tình trạng kinh doanh bán hàng đa cấp bất chính và biến tướng?...
Bán hàng đa cấp được pháp luật Việt Nam thừa nhận
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam. Giống như các phương thức bán hàng khác, mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hóa từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt với các phương thức bán hàng khác đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp (BHĐC) chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng hàng hóa, phải đăng ký hợp pháp (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) với Bộ Công thương và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động.
Các hoạt động kinh doanh đa cấp bị cấm bao gồm: dịch vụ, hàng hóa nhưng không có giấy chứng nhận do Bộ Công Thương cấp; các hình thức lợi dụng mô hình đa cấp khác không phải là mua bán hàng hóa như tiền ảo, huy động vốn dự án, thương mại điện tử…
Cũng theo ông Tuấn, Bộ Công Thương đóng vai trò cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp; Tuyên truyền phổ biến chính sách và pháp luật; Phối hợp cơ quan công an xử lý các hành vi vi phạm theo quy định và thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền…
Riêng về UBND các cấp có trách nhiệm ban hành quy chế phối hợp các lực lượng tại địa phương (công an, công thương, quản lý thị trường, thuế….); Cấp, thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, xác nhận tiếp nhận thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Kiểm soát các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo.
Bên cạnh đó, cần đề cập tới trách nhiệm quản lý của Bộ Công an trong việc thực hiện công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; khởi tố, điều tra tội phạm và thực hiện các nhiệm vụ tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
Khẳng định bán hàng đa cấp là phương thức bán hàng hợp pháp, bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam phân tích, so với thế giới, hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam cũng không khác biệt gì nhiều. Trên thế giới và Việt Nam đều có sự tương đồng về phương thức tiếp thị theo mạng lưới người tham gia hay còn gọi là net work maketing hoặc directselling.
Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam.
Tiềm năng kinh doanh đa cấp ở Việt Nam còn rất lớn
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), bán hàng đa cấp hay còn gọi là kinh doanh đa cấp là mô hình kinh doanh rất phố biến và thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới.
"Đây là hình thức bán hàng mà hàng hóa được phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng không thông qua các cửa hàng bán lẻ hay đại lý trung gian. Người tiêu dùng trực tiếp giới thiệu và phân phối sản phẩm đến người khác như: bạn bè, người thân.
Ở đây, người tiêu dùng vừa là người bán hàng, vừa là người cung ứng, quảng cáo sản phẩm, vì vậy giúp tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất, số tiền đó được chia hoa hồng cho các cấp độ trong mạng lưới phân phối của người mua hàng và đầu tư để cải thiện sản phẩm", ông Long phân tích.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).
Nhưng theo ông Long ở Việt Nam, đa cấp vẫn chưa phải là mô hình kinh doanh phổ biến. Đa số người Việt Nam thường có cái nhìn không thiện cảm đối với mô hình kinh doanh theo mạng này. Tại Việt Nam, kinh doanh đa cấp xuất hiện thời điểm 1999-2000. Hiện hoạt động này bán trên 7.000 sản phẩm, chủ yếu 80% là thực phẩm chức năng.
Tuy vậy, theo chuyên gia này, doanh nghiệp sẽ đối diện nhiều cơ hội khi tham gia kinh doanh đa cấp như được pháp luật thừa nhận; không mất chi phí đầu tư, không cần mặt bằng, không cần ôm hàng, không áp lực về doanh số, không ràng buộc về thời gian. Doanh nghiệp cũng có thể tham gia dễ dàng, không phân biệt trình độ học vấn, nơi đang sống và cũng ó thể tạo ra một kênh kiếm tiền tự động.
Nói về tiềm năng của kinh doanh đã cấp tại Việt Nam, ông Long có cái nhìn khá lạc quan. Theo ông Long, dân số Việt Nam gần 100 triệu dân, đời sống của người dân luôn được cải thiện, xu nhập có xu hướng tăng, đặc biệt tầng lớp trung lưu. Do vậy dư địa của kinh doanh đa cấp còn rất lớn.
Việt Nam cũng nằm Top 5 thị trường thế giới tăng doanh thu bán hàng đa cấp nhanh nhất năm 2019. Số người bán hàng đa cấp đứng thứ 5 Đông Nam Á, sau Indonesia; Thái Lan; Philipines và Malaysia.
Dấu hiệu nhận biết đa cấp biến tướng
Theo bà Trương Thị Nhi, hiện nay tình trạng biến tướng mô hình bất chính, tiềm ẩn hành vi có tính chất lừa đảo núp bóng loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người, đã lôi kéo được nhiều thành phần, nhất là các bạn trẻ gia nhập vào mạng lưới đa cấp phi pháp. Những vụ việc này không chỉ gây mất an toàn trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Nhấn mạnh những dấu hiệu của đa cấp biến tướng, ông Trịnh Anh Tuấn khuyến cáo người tiêu dùng cần xác định được 4 biểu hiện chính: Không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp; Sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo; Không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; Nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia.
Những doanh nghiệp này thường yêu cầu người tham gia mua hàng, đặt cọc, nộp tiền mới tham gia; trả hoa hồng cho việc tuyển dụng; Thông tin gian dối về hoa hồng tiền thưởng, sản phẩm; Duy trì nhiều hơn 1 mã số đối với 1 người tham gia; Từ chối quyền lợi của người tham gia; Mua bán, chuyển giao mạng lưới người tham gia; Tổ chức các trung gian thương mại phục vụ cho việc duy trì, mở rộng, phát triển mạng lưới.
Phân tích thêm, ông Ngô Trí Long khuyến cáo những dấu hiệu để nhận biết thủ đoạn núp bóng kinh doanh đa cấp để lừa đảo :
Công ty đó yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, ký quỹ hoặc mua một số lượng sản phẩm nhất định hay phải trả tiền để được tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp.
Công ty đó không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không mua lại với số tiền tối thiểu là bằng 90% giá sản phẩm ở thời điểm bán.
Người tham gia mạng lưới không phải hưởng lợi ích từ việc bán sản phẩm mà là từ việc lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới. Lợi nhuận không phát sinh từ hoạt động bán hàng mà là từ tuyển dụng người tham gia.
Công ty khuyến khích, hoặc đào tạo người tham gia tuyển người khác vào mạng lưới và hứa trả hoa hồng khi tuyển được người.
Công ty cung cấp hàng hóa tuy nhiên hàng hóa đó chất lượng kém hoặc không có giá trị sử dụng để bán cho người tiêu dùng.
Người trong công ty bán hàng đa cấp hướng dẫn bạn cách vay tiền để mua sản phẩm hoặc vay tiền để đóng phí tham gia mạng lưới.
Công ty bán hàng đa cấp buộc và hối thúc người tham gia mua hàng để bán dù biết hàng hóa đó khó tiêu thụ, không thể bán ra thị trường để thu hồi vốn.
Tại tọa đàm, các khách mời đưa ra nhiều thông tin thiết thực về phân biệt bán hàng đa cấp và đa cấp biến tướng.
Cách nào để phòng "tiền mất tật mang" trước kinh doanh đa cấp biến tướng?
Ông Ngô Trí Long nêu bật thực trang hiện nay, bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh khá phổ biến ở nhiều nơi, với rất nhiều người tham gia. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết rõ phương thức kinh doanh nên xảy ra tình trạng bị lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhiều cá nhân tham gia bán hàng đa cấp là do tâm lý số đông, họ quen biết nhau, truyền miệng về phương thức trả hoa hồng siêu lợi nhuận của doanh nghiệp, sau đó họ lôi kéo nhau vào kinh doanh đa cấp, mua bán nhiều loại sản phẩm.
Do nhân viên kinh doanh đa cấp gồm nhiều đối tượng, nhiều thành phần. Họ tiếp xúc, giới thiệu và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng ở mọi nơi, mọi thời điểm, cho nên ngành chức năng rất khó kiểm soát hoạt động kinh doanh cũng như chất lượng, giá cả sản phẩm.
Tuy vậy, bà Trương Thị Nhi khuyến cáo, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhận biết và cảnh giác với những doanh nghiệp không đáng tin cậy do thông tin về những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính được đăng tải một cách công khai. "Thông tin về các doanh nghiệp hội viên hoạt động hợp pháp được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trên app IMLM, trên website hiệp hội là [email protected]", bà Nhi khẳng định.
Bài trừ đa cấp biến tướng thế nào?
Ông Trịnh Anh Tuấn cho hay các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng hàng hóa, phải đăng ký hợp pháp (đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động) với Bộ Công thương và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động.
Hiện nay, chế tài xử lý hành chính bán hàng đa cấp sẽ dựa theo các quy định của Nghị định 141/2018/NĐ-CP. Hai là, xử lý hình sự theo Điều 217a bộ luật Hình sự 2015 về “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (thu lợi bất chính từ 200 triệu, gây thiệt hại từ 500 triệu, hoặc mạng lưới từ 100 người trở lên) hay “Điều 174 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ông Trịnh Anh Tuấn cũng khuyến nghị rằng sinh viên nói riêng và người tham gia nói chung phải trả lời 3 câu hỏi lớn trước khi muốn tham gia một doanh nghiệp: Doanh nghiệp mình tham gia có phải hoạt động bán hàng đa cấp hay không? Doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận chưa? Doanh nghiệp có biểu hiện hoạt động bán hàng đa cấp bất chính hay không?
Trong khi đó, bà Trương Thị Nhi thì khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính cần chủ động công tác tuyên truyền và phối hợp với hiệp hội để tuyên truyền cho người tham gia và người tiêu dùng phân biệt rõ các quy định pháp luật và các mô hình biểu hiện bất chính
Xây dựng kế hoạch phân phối và đào tạo người tham gia một cách chuyên nghiệp và có biện pháp triển khai giám sát một cách chặt chẽ.
Có sự đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo để kịp thời thông tin và phát hiện các trường hợp sai phạm, các cá nhân bất tuân gây ảnh hưởng đến bản chất và giá trị của ngành bán hàng đa cấp. từ đó kiến nghị và phối hợp với cơ quan chức năng xem xét xử lý đảm bảo hành lamg pháp lý minh bạch, nghiêm túc.
Hiện, còn nhiều dư địa để phát triển lĩnh vực kinh doanh đa cấp, Hiệp hội đa cấp đã có những bước chuẩn bị thế nào để có thể tận dụng dư địa này một cách tốt nhất, thưa bà?
Bà Nhi cho biết Hiệp hội sẽ là cầu nối với doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đẩy mạnh các hoạt động quảng bá các sản phẩm, doanh nghiệp thương hiệu Việt, thông qua kênh bán hàng đa cấp để đến với các nước trên thế giới.
"Hiệp hội coi đây là nhiệm vu trọng tâm trong thời gian tới nhất là khi chính phủ có nhiều cơ chế trong hội nhập thương mại; vị thế, cơ đồ của Việt Nam trên trường thế giới ngày càng được khẳng định với nhiều yếu tố, thành quả bền vững và tích cực; các hoạt động xã hội hóa ngày càng chú trọng…Đó cũng là việc góp phần kiến tạo nên giá trị các sản phẩm thương hiệu Việt thông qua hoạt động kinh doanh đa cấp.
Đồng thời, Hiệp hội sẽ tăng cường các hoạt động nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động".
Ông Ngô Trí Long khuyến cáo người tham gia cần tìm hiểu về doanh nghiệp đa cấp trước khi tham gia trên các tiêu chí: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; doanh nghiệp đã từng có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt chưa; tìm hiểu thông tin về lịch sử hình thành và hoạt động đa cấp của doanh nghiệp.
Người tham gia cần lưu ý phương thức bán hàng. Mọi loại hình dịch vụ hoặc các hình thức kinh doanh khác như hợp tác đầu tư, huy động vốn... không được tiến hành kinh doanh theo phương thức đa cấp (trừ những trường hợp sẽ được pháp luật quy định rõ). Người tham gia cũng có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng của hàng hóa.
Người tham gia đa cấp cần tìm hiểu kỹ chương trình trả thưởng, hoa hồng của doanh nghiệp. Hoa hồng lợi ích người tham gia chỉ có được khi bán hàng hóa, không phải từ việc lôi kéo dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới đa cấp.
Theo quy định, tổng trị giá hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong một năm quy đổi thành tiền không được vượt quá 40% doanh thu trong năm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền chấm dứt hợp đồng với thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp trước thời hạn tối thiểu là 10 ngày làm việc. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thanh toán cho người tham gia tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác.
Ban tổ chức tọa đàm tặng hoa khách mời.
Để tạo môi trường kinh doanh đa cấp lành mạnh
Ông Trịnh Anh Tuấn khẳng định, muốn bảo vệ chính mình, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính phải đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản phẩm đến tay người tiêu dùng, chứ không phải chỉ tiêu thụ trong hệ thống.
Quản lý chặt chẽ các hoạt động, tăng cường đào tạo để nhà phân phối kinh doanh đúng pháp luật.
Giám sát, theo dõi thị trường chặt chẽ để phát hiện nhưng bất thường của thị trường. Chính doanh nghiệp phải biết được sự bất thường này và có kết nối với Bộ Công Thương để Bộ có thông tin xử lý kịp thời.
"Thời gian tới chúng tôi sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, sẽ sửa Nghị định 40 về hoạt động kinh doanh đa cấp. Với các sửa đổi này hy vọng sẽ sửa đổi tốt hơn", ông Tuấn nhấn mạnh về vai trò của cơ quan quản lý - Bộ Công Thương.
Ông Tuấn cũng cho rằng, các cơ quan truyền thông cần tăng cường cung cấp thông tin để người dân nhận biết được doanh nghiệp kinh doanh chân chính theo đúng hướng đưa ra.
Cuối cùng, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường phối hợp xử lý các doanh nghiệp kinh doanh không đúng các quy luật pháp luật.
Ông Trịnh Anh Tuấn thông tin thêm, hiện thị trường có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động đa cấp. Mỗi năm hoạt động kinh doanh đa cấp đóng thuế 1.800 tỷ đồng và tạo việc làm cho 1 triệu lao động.
Tuy nhiên, nhiều hoạt động đa cấp biến tướng, lợi dụng đa cấp lừa đảo, thu hút tài chính, gây bức xúc dư luận. Bộ Công Thương đã phối hợp với cơ quan chức năng và địa phương để cảnh báo, tuyên truyền cho người dân. Thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát hoạt động loại hình này.
Một số doanh nghiệp đa cấp chính thống tại Việt Nam
1. Công ty TNHH Amway Việt Nam
Có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2008 và luôn tuân theo triết lý kinh doanh của tập đoàn toàn cầu có lịch sử gần 65 năm phát triển, đó là “Giúp mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn và khỏe mạnh hơn”.
Bên cạnh việc phát triển kinh doanh bền vững, Amway có rất nhiều hoạt động trách nhiệm xã hội rất ý nghĩa. Năm 2020, Amway vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế do có nhiều đóng góp trong việc cải thiện tình hình dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam
2. Công ty TNHH Một Thành Viên New Image Việt Nam
Công ty TNHH Một Thành Viên New Image Việt Nam được thành lập năm 2013, có trụ sở chính tại TP.Hồ Chí Minh, chi nhánh tại Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng cùng đội ngũ nhà phân phối hoạt động rộng khắp cả nước. New Image Việt Nam cung cấp các nhóm sản phẩm có thành phần sữa non, được nhập khẩu trực tiếp từ New Zealand, mang lại sự chăm sóc sức khỏe chất lượng cao cho người dân Việt Nam.
3. Công Ty TNHH Nu Skin Việt Nam
Nu Skin Việt Nam được thành lập ngày 04/11/2011, hiện nằm trong top 3 tại thị trường Đông Nam Á của Nu Skin Enterprises. Nu Skin Việt Nam hiện là thành viên của Hội doanh nghiệp bán hàng trực tiếp của Amcham, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Công ty có 3 dòng sản phẩm chính là Thiết bị làm đẹp và sản phẩm chăm sóc cá nhân, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe và Máy lọc nước. Ngoài ra, Nu Skin có Quỹ hỗ trợ trẻ em bị tim bẩm sinh và hoạt động hỗ trợ cộng đồng khác….
4. Công ty cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam (Vinalink Group)
Vinalink Group - doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và làm đẹp với việc phân phối các dòng thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPCN) và mỹ phẩm sản xuất tại Việt Nam. Trải qua hơn 15 năm hình thành và phát triển, cho đến nay, Vinalink Group đã khẳng định vị thế là một trong những doanh nghiệp uy tín, sở hữu hệ thống nhà máy hiện đại, đạt tiêu chuẩn GMP (Bộ Y tế), ISO... đội ngũ Ban cố vấn là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nhiều dòng sản phẩm chất lượng, hiệu quả cao, được thị trường và đông đảo người tiêu dùng đón nhận.
5. Công ty TNHH TM Lô Hội
Là Công ty Việt Nam có nhiều năm kinh nghiệm áp dụng phương thức kinh doanh đa cấp, Lô Hội luôn mong muốn góp phần khẳng định với xã hội, cộng đồng những giá trị tốt đẹp, tính hiệu quả mà phương thức này mang lại. Từ cánh đồng, đến cơ sở chế biến, sản xuất và hoạt động phân phối - Lô Hội tự hào kiểm soát mọi khía cạnh của quá trình. Đảm bảo mang đến những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, cho bạn luôn cảm thấy khỏe hơn, đẹp hơn sau mỗi lần sử dụng.
6. Công ty TNHH Kyowon The Orm Việt Nam
Tập đoàn Kyowon xuất phát từ lĩnh vực xuất bản giáo dục , trải qua hơn 36 năm phát triển, đã trở thành một doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực Văn Hóa Đời Sống Giáo Dục tại Hàn Quốc. Công ty Kyowon The ORM thuộc tập đoàn Kyowon. Kyowon The ORM tạo ra những mối lương duyên tốt đẹp, thông qua cơ hội kinh doanh đúng đắn, minh bạch; kiến tạo tương lai tươi sáng bằng những giá trị sản phẩm không ngừng đổi mới”
Với việc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, chúng tôi nỗ lực mang đến những dòng sản phẩm K-Health & K- Beauty chất lượng cao, được đúc kết từ tinh hoa Hàn Quốc cùng với cơ hội kinh doanh chính trực giúp Đối tác kinh doanh tạo ra thu nhập thông qua hình thức tiêu dùng thông minh. Hơn thế nữa, chúng tôi luôn tuân thủ pháp luật và là hội viên tích cực của Hiệp hội Bán hàng đa cấp, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.
Nguồn: VTC News (19/4/2021)