Bí ẩn kho báu trấn yểm trinh nữ tại Hà Nội - Việt Nam

in kho •  6 years ago 

Truyền thuyết trinh nữ bị chôn sống

Nhiều người dân Vân Côn kể, dưới chân ngôi miếu nằm trên bốn tảng đá trắng ở đỉnh núi Bạch Tuyết có đến hàng tấn vàng bạc châu báu được chứa đầy trong một cái hầm đá rộng bằng gian nhà. Kho báu đó do người Tàu để lại từ hàng ngàn năm trước nhưng không ai có thể đột nhập để lấy đi dù chỉ là một… nắm đất vì nó đã được yểm bùa bằng “linh hồn trinh nữ”. Đến giờ, nhiều người dân khi đi qua ngôi miếu vào những đêm sáng trăng vẫn thường thấy một hình nhân nữ mặc áo trắng, tay cầm quạt bay la đà xung quanh núi.

Thậm chí, có người còn quả quyết rằng đã nhìn thấy hình nhân nữ kia ngồi khóc tỉ tê trên mấy viên đá trắng. Sáng ra kiểm tra, mấy ngọn cỏ mọc quanh phiến đá ấy nằm rạp xuống mặt đất như có ai giẫm chân lên. “Cô ấy ngồi khóc đòi mạng đấy…”, một bà lão bán nước ở đầu làng Ninh Thượng suy đoán.
IMG_0879.JPG
Bà lão kể, cách đây hàng ngàn năm trước, khi người Tàu đô hộ xứ này, bọn chúng ra sức vơ vét vàng bạc, châu báu khắp nơi mang về núi Bạch Tuyết cất giữ. Đến khi rút về nước, vì số lượng của cải quá lớn không mang được hết, chúng liền xây dựng một cái hầm đá dưới ngôi miếu để chứa.

Trong quá trình xây dựng, chúng cũng cho người đi lùng bắt một thiếu nữ tuổi 13 còn trinh trắng, xinh đẹp tuyệt trần về nuôi dưỡng suốt nhiều ngày. Trong những ngày ấy, bữa nào cô cũng được ăn sơn hào hải vị, tắm gội bằng nước thơm cho thân thể sạch sẽ, tinh khiết. Đến khi căn hầm được xây xong, bọn chúng đem chôn sống thiếu nữ đồng trinh kia ngay nơi cửa hầm cùng với một con rùa để làm “thần giữ của”…

Bên cạnh đó, xung quanh cái “kho báu đồng trinh” kỳ bí kia, còn có rất nhiều câu chuyện “thánh thần” được người dân ở đây truyền tai nhau như: Có mấy người bạo gan, hám của thuê thợ thuyền đào bới, truy tìm kho báu dưới chân miếu thiêng. Lúc đào thấy một con rùa đang nằm với hàng tấn vàng bạc chói lóa, sáng lòa dưới hố, khi mang lên toàn bùn đen, đất đỏ. Từ đó, gia đình mấy anh thợ đào khoán không suy vì cách này thì cũng lụi tàn vì cách khác, người thân đau ốm triền miên.
IMG_0880.JPG miếu bạch tuyết
Cũng có người lại kể đã từng nhìn thấy trăn rắn, gà vàng, cóc bạc chui ra từ kẽ đá dưới chân ngôi miếu vào những hôm trời nổi gió, mưa giông. Nếu ai trót bắt mang về thì “Thánh vật” cho cả nhà sống cũng vật vờ… như chết. Đến khi nào mang trả đồ vật, đồng thời phải “trai giới” dâng hương tế lễ đúng 7 ngày mới mong tai qua, nạn khỏi

Đi tìm lời giải về “kho báu đồng trinh”

Ông Vũ Tiến Tiu (SN 1957), Trưởng Ban kiến thiết thôn Ninh Thượng cho hay: Sở dĩ ngôi miếu này có tên gọi miếu Bạch Tuyết bởi tương truyền: Ngày xưa, có nàng công chúa tên gọi Bạch Tuyết hay rời kinh thành du ngoạn núi non. Khi đi qua vùng này, thấy có ngọn núi đá trắng mọc bên dòng sông nước trong văn vắt, cây cối tốt tươi, khung cảnh hữu tình, công chúa liền cho người xây dựng trên đỉnh núi một chiếc quán để nghỉ ngơi. Rồi những đêm trăng sáng, nàng thường cùng cung nữ trầm mình đùa vui dưới dòng nước mát, tựa hồ như tiên nữ giáng trần. Sau này, khi nàng mất, dân làng tưởng nhớ thường đến quán thắp hương khấn vái. Cái tên Quán Bạch Tuyết, núi Bạch Tuyết, miếu Bạch Tuyết cũng ra đời từ đó.

Đồng thời, ông Tiu cũng khẳng định, chuyện có “kho báu đồng trinh” dưới chân ngôi miếu là hoàn toàn hoang đường, không có cơ sở. Ông bảo, cách đây mấy tháng, có hai bà sư ngoài Hà Nội về miếu này tế lễ, phát hiện dưới chân gốc cây si nơi kẽ đá mọc lên một cây nấm. Cứ thế, câu chuyện “nấm mọc trên đá” làm sôi sục cả một vùng quê, dân tình nườm nượp kéo nhau về xem cái hiện tượng kỳ khôi, có người còn phán: Đấy là “Thánh hiển linh”. Có lẽ, cũng chính từ sự kiện này đã bị "tam sao thất bản", mọi người đẩy câu chuyện sang một hướng không chính xác.

Nói đoạn, ông Tiu chỉ cho tôi cây nấm bé như lòng bày tay xòe ra tựa cái lọng che vua. Kể từ khi xuất hiện, mấy tháng trời cây nấm này không lớn lên thêm được chút nào mà vẫn giữ nguyên hình dạng, kích cỡ ban đầu. Chỉ có những câu chuyện về nó thì ngày càng “lớn” lên nhờ được các con nhang, đệ tử khắp nơi truyền tụng, thêu dệt, thổi phồng mang đầy màu sắc hoang đường.

Còn về chuyện số phận những người ngày trước đã từng đào “kho báu đồng trinh”, bà cụ Kê (87 tuổi), lão niên thôn Ninh Thượng bổ sung: Đầu những năm 80 thế kỷ trước, ông Nguyễn Tài H. ở thôn Cát Bàng có thuê người đào xem sự thật về kho báu thế nào. Nhưng, hơn chục thanh niên kỳ cụi đào mấy ngày liền mà không hề phát hiện dấu tích gì về cái gọi là kho báu, chỉ toàn đất đá. Đến giờ cũng chưa nghe nói ai trong số họ chịu kết cục bi thảm như lời đồn thổi.

Kể từ đó đến nay không còn ai đào tìm kho báu dưới chân miếu Bạch Tuyết nữa nhưng những câu chuyện về nó vẫn chưa dừng lại. Người ta vẫn không thôi bàn tán về những thoi vàng, nén bạc dưới chân ngọn núi thiêng.

Authors get paid when people like you upvote their post.
If you enjoyed what you read here, create your account today and start earning FREE STEEM!