Người ta nói là động, ta im lặng là tĩnh. Nghe người nói, biết được nội tâm họ. (Nhân ngôn giả,động dã. Kỷ mặc giả, tĩnh dã, nhân kỳ ngôn, thích kỳ từ).
*Giải thích
Người khác nói là ở vào trạng thái động. Ta giữ im lặng không nói là ở vào trạng thái tĩnh. Nghe nội dung người khác nói sẽ dò biết đưuợc chủ trương và kiến giải của họ.
*Bình luận
Xét nguyên lý động tĩnh, người đang nói thao thao bất tuyệt là động. Ta cứ im lặng mà nghe là tĩnh.
Người khác động còn mình thì tĩnh, người khác nói còn mình thì nghe, đó chính là dĩ tĩnh chế động, dùng cái tĩnh khống chế cái động. Dĩ tĩnh chế động có thể dựa vào lời nói của đối phương để dò biết chủ trương và kiến giải của họ. Nếu phát hiện lời nói của họ có chỗ mâu thuẫn bất nhất thì ta có thể hỏi ngay để nắm được thực tình, hiểu rõ được đối phương.
Dĩ tĩnh chế động là một loại vũ khí lợi hại trong xử thế. Trong đàm phán, nếu đối phương đưa ra yêu cầu không hợp lý, hoặc khi bạn cảm thấy ngán ngẩm với lời nói của họ, lúc đó có thể áp dụng mưu lược dĩ tĩnh, chế động.
Nhà chính trị nước Anh Raise trong một lần đang diễn thuyết bỗng đột nhiên ngừng lại lấy đồng hồ ra, đứng lặng im nhìn thính giả không nói gì đúng 72 giây đồng hồ. Khi công chúng còn đang ngơ ngác chưa hiểu ra sao thì ông nói: ―Thưa các vị, 72 giây đồng hồ vừa rồi mà các vị cảm thấy bứt rứt chính là thời gian mà một người thợ bình thường dùng để xây một viên gạch.
Cách dùng sự tĩnh lặng để thể hiện nội dung nói chuyện của Raise thực là cao tay. Đó là một phương pháp lôi cuốn sự chú ý của thính giả. Ý nghĩa thể hiện trong sự trầm lặng khi chuyện trò rất phong phú đa dạng. Nó có thể là sự tán thành không lời mà cũng có thể là sự phản đối vô thanh; có
thể là sự mặc nhận vui vẻ mà cũng có thể là sự bảo lưu ý mình; có thể là sự chống chọi uy nghiêm mà cũng có thể là nỗi lo canh cánh; có thể là sự tỏ ý hùa theo ý kiến mọi người, bản thân không có chủ kiến, mà cũng có thể là một dấu hiệu quyết tâm phải đấu kỳ cho đến khi đạt được mục đích mới
thôi.
Vì vậy trong đối nhân xử thế, mưu lược dĩ tĩnh chế động đã được vận dụng rộng rãi.
Ứng dụng mưu lược
BÁC NÔNG DÂN GIẢ VỜ CÂM
Hôm đó một bác nông dân dắt con ngựa đi có việc, buổi trưa tới một quán ăn nhỏ ven đường, buộc dây cương ngựa vào một gốc cây, đang định vào quán thì có một vị thân sĩ cưỡi ngựa đi tới rồi cũng buộc ngựa ở cùng gốc cây đó.
Bác nông dân thấy thế vội nói:
―Xin ông đừng buộc ngựa ở gốc cây đó, ngựa của tôi chưa thuần đâu,nó có thể đá chết ngựa của ông đấy.
Vị thân sĩ không nghe, cứ buộc ngựa ở gốc cây đó rồi vào quán ăn trưa. Một lát sau họ nghe thấy tiếng ngựa hí hét khủng khiếp. Cả hai vội chạy ra xem thì thấy con ngựa của vị thân sĩ đã bị đá chết. Ông thân sĩ bèn lôi bác nông dân đi kiện, đòi đền ngựa. Quan huyện hỏi bác nông dân nhiều việc mà bác ta cứ như người câm không nói.
Quan huyện nói với vị thân sĩ:
―Anh ta là người câm, làm sao xử kiện đuợc.
Vị thân sĩ ngạc nhiên nói:
―Vừa rồi anh ta còn nói chuyện được cơ mà.
Quan lại hỏi:
―Nó nói gì?.
Vị thân sĩ kể lại lời bác nông dân nói khi buộc ngựa. Quan nghe xong kêu lên:
―Ái già, như vậy là ông vô lý rồi. Nó đã cảnh cáo trước mà ông không nghe, nên nó không phải đền ngựa cho ông.
Lúc đó bác nông dân mới mở miệng nói cho quan huyện rõ bác phải làm như người câm để ông thân sĩ nói ra sự thực, như vậy sẽ dễ phán xét ai đúng ai sai.
Bác nông dân đã vận dụng mưu lược dĩ tĩnh chế động làm cho ông thân sĩ nọ phải nói rõ sự thực, bác không trả lời các câu hỏi để quan tưởng là bác câm khiến ông thân sĩ phải kể lại đầu đuôi câu chuyện buộc ngựa ra sao, do đó đã đạt được mục đích của mình.
LINCOLN LÀM THẦY CÃI THẮNG KIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Tổng thống Lincoln khi còn trẻ rất hiếu học. Ông đã tự học nhận được giấy phép hành nghề luật sư.
Tài tranh cãi và mưu trí linh hoạt của ông trong các vụ xét xử tại tòa án đã được quần chúng ngưỡng mộ tán thưởng. Một lần ông đã dùng cách giữ im lặng không nói gì tại tòa mà đánh bại được luật sư bên nguyên, giành được thắng lợi trong vụ kiện.
Trong phiên xét xử tại tòa án, luật sư bên nguyên đã thao thao bất tuyệt, nói đi nói lại dài dòng tới 2 tiếng đồng hồ về một hai luận cứ đơn giản, quan tòa và công chúng đều ngán ngẩm, rầm rì chê trách,có người đã ngủ gật. Cuối cùng ông luật sư đó cũng đã nói xong, đến lượt Lincoln là luật sư của bên
bị lên bục, nhưng ông im lặng không nói gì, hội trường im phăng phắc, cử tọa rất ngạc nhiên.
Một lúc sau Lincoln cởi áo khoác ngoài, đặt lên bàn, sau đó cầm tách uống một hớp nước rồi lại đặt tách xuống và mặc áo khoác vào. Sau đó ông lại cởi áo khoác và uống nước rồi lại mặc áo vào, cứ thế làm đi làm lại dăm sáu lần. Quan tòa và công chúng bật cười ha hả trước màn kịch câm của Lincoln. Lincoln vẫn không nói gì, rời diễn đàn trong tiếng cười hoan hỉ còn đối thủ của ông thì bị cười và thua kiện.
Là luật sư, không nói gì mà thắng được kiện là một việc rất khó khăn. Luật sư bên nguyên đã nói năng dài dòng làm công chúng phát ngán, nếu Lincoln lại tiếp tục tranh luận tràng giang đại hải thì hậu quả sẽ ra sao chắc mọi người đều rõ. Vì vậy ông đã dĩ tĩnh chế động, không nói một câu, dùng
phương thức kịch câm đánh bại đối thủ, đạt được hiệu quả ―vô thanh thắng hữu thanh.
ROOSEVELT GIẢ CÂM GIẢ ĐIẾC THẮNG TÌNH BÁO NHẬT
Trong Đại chiến thế giới II, một nhà báo Mỹ nhạy tin được biết: một tổ tình báo dưới quyền chỉ huy của con trai Roosevelt đã giải mã được bức điện nói về kế hoạch tiến công đảo Midway của quân Nhật, do đó đã nắm chắc được tin tức xác thực về bố trí tác chiến trên biển của quân Nhật, và Mỹ đã chuẩn bị chiến lược đối phó.
Một tờ báo ở Chicago đã đem bản tin do nhà báo này cung cấp công bố toàn bộ trên báo. Như vậy có thể làm cho Nhật cảnh giác thay đổi lại mật mã và điều chỉnh lại bố trí khó khăn, rơi vào thế hết sức bị động chịu đòn. Có một quan chức cấp cao đã đề nghị Tổng thống Roosevelt ra lệnh điều tra vụ tiết lộ bí mật Quốc gia thời chiến rất nghiêm trọng này. Nhưng tổng thống đã xử lý khác thường, dĩ tĩnh chế động, không cho điều tra cũng không huy động mọi người giải thích ồn ào mà cũng không cho điều chỉnh lại bố trí quân sự, làm ra vẻ như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Kết quả vụ việc đó nhanh chóng êm dịu đi đến nỗi cơ quan tình báo cũng không chú ý gì đến để có biện pháp thích đáng.
Một vụ việc hầu như có thể chôn vùi thắng lợi của quân Mỹ trong chiến dịch Midway nhưng nhờ cách xử lý cao minh của tổng thống Roosevelt nên đã cứu vãn được tình thế.
Nguồn : https://www.facebook.com/NguyenCongTrinh113