Xã hội rồi sẽ đi về đâu nếu những chuyện nhẽ ra là đương nhiên lại trở thành hiện tượng, những điều tốt đẹp trở thành hiếm hoi?
“Ông Tây một mình dọn rác phố cổ” là từ khoá khiến tôi chú ý trong những ngày đầy ắp thông tin này. Xuất hiện trong clip, người đàn ông nước ngoài với mồ hôi nhễ nhại đang khoe về chiến tích đã dọn được 15kg rác khi gần quá nửa đêm.
Video được ghi lại vào tối 21/9, sát ngày lễ Trung thu tại khu vực phố cổ. Buổi tối hôm đó, lượng người đi chơi đông, lượng rác xả ra rất nhiều. Người đàn ông ngoại quốc phải dọn rác từ 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng và thu gom được trên 135kg rác. Tối 22/9, James vẫn tiếp tục công việc dọn rác một mình và thu gom tổng cộng trên 162kg.
“Ông Tây” ấy thực ra không còn xa lạ. Đó là James Joseph Kendall, một giáo viên người Mỹ từng được nhiều người biết đến với hành động lội mương thối, dọn rác ở cống bẩn khu vực Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) hơn 2 năm về trước.
Trong khi có nhiều lời khen ngợi cho hành động đẹp của James thì cũng có một số ý kiến dèm pha, đại ý rằng nếu anh không làm thì đằng nào sáng sớm hôm sau chỗ rác kia cũng được các nhân viên vệ sinh trong khu vực này dọn dẹp sạch sẽ.
Sự thực… đúng là như vậy! Nếu James không làm thì các nhân viên vệ sinh cũng sẽ làm. Và cũng chính bởi vì lý do đó nên trong khi có những người cảm thấy phát ngượng và xấu hổ trước hành động của người đàn ông nước ngoài kia thì phần lớn những người khác vẫn vô tư xả rác. Thậm chí có những người còn có… “ý tốt” tạo công ăn việc làm cho công nhân vệ sinh (!).
Nhìn hình ảnh vỉa hè tràn ngập rác là rác trên con phố Tạ Hiện, thú thực, người viết cũng không muốn phê phán nữa. Đây vốn là nơi kinh doanh vỉa hè vào diện sầm uất nhất Hà Nội, cũng là nơi tập trung đông du khách nhất. Những người lần đầu đến đây khó mà không bị “choáng” trước khung cảnh ngập rác này. Dù đổ cả “tiền tấn” cho các đề án phát triển du lịch, thì chỉ với những hình ảnh xấu xí này, Hà Nội khó mà tránh bị “mất điểm”.
Thôi thì, phạt hay không phạt cũng là chuyện của cơ quan quản lý. Quan trọng là thái độ ứng xử của người dân chúng ta với rác. Trong hàng trăm lượt người đi qua, rốt cuộc cũng chỉ có một “ông Tây” là tỏ rõ được thái độ của mình và thể hiện ra bằng hành động.
Điều đó cũng tương tự với rất nhiều trường hợp ứng xử với các loại “rác” khác trong cuộc sống. Trước những điều chướng tai gai mắt, dẫu bất bình đến mấy thì thói quen chung vẫn là tặc lưỡi, lắc đầu, lánh xa cho đỡ phần phiền phức. Thứ im lặng đó trở thành một thứ “văn hoá” (đó là chưa nói đến tình trạng xì xầm, bàn ra tán vào, thêu dệt, chắp vá khiến sự việc thêm phần phức tạp và bí hiểm).
Anh James chẳng phải vì hơn 150kg rác đó mà vất vả dọn hơn 3 tiếng đồng hồ trong đêm. Hành động của anh hơn thế, đó là nhằm thay đổi ý thức của cộng đồng. Cuộc sống này cần rất nhiều những anh James, những người tiên phong làm việc tốt.
Bởi, không bày tỏ quan điểm hay quan điểm không rõ ràng trước “rác rưởi”, xấu xa cũng chẳng khác gì là một cái “khoát tay” đồng tình cho qua đầy dễ dãi. Xã hội rồi sẽ đi về đâu nếu những chuyện nhẽ ra là đương nhiên lại trở thành hiện tượng, những điều tốt đẹp trở thành hiếm hoi?
Nguồn : Dân Trí
Người viết : https://www.facebook.com/NguyenCongTrinh113