ThS Nguyễn Thị Tuyết Nga - Giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 11, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ những phương pháp quen thuộc nhưng có thể giúp tạo ra hiệu quả bất ngờ cho giờ dạy Văn.
Đọc diễn cảm
Những văn bản thuộc thể loại thơ trung đại thường có dung lượng ngắn, đọc diến cảm là khâu quan trọng, tạo ra tác dụng lớn, tạo ra những ấn tượng thẩm mỹ cho học sinh.
Văn bản thơ trung đại được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, sử dụng nhiều từ cổ, từ Hán Việt, các điển tích điển cố nên rất khó cho học sinh trong việc tiếp nhận các giá trị nội dung, nghệ thuật.
Đọc diễn cảm thể hiện được cảm xúc, giọng điệu của nhân vật, của tác giả sẽ một phần nào sáng rõ được ý nghĩa của tác phẩm, tạo nên những rung động sâu sắc cho học sinh.
Với tác phẩm viết bằng chữ Hán, phải hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm cả phần phiên âm và dịch thơ của bài thơ.
Vận dụng phương pháp gợi mở
Phương pháp này được sử dụng để dẫn dắt học sinh từng bước tham gia phát hiện phân tích và đánh giá từng bộ phận của tác phẩm. Áp dụng phương pháp gợi mở trong dạy học Văn học trung đại Việt Nam phải tùy trường hợp, tính chất của loại văn bản, đối tượng học sinh và mục đích giờ học để sáng tạo linh hoạt, tránh đánh đố học sinh.
Việc áp dụng phương pháp gợi mở vào quá trình dạy học có hiệu quả khi giáo viên bám sát vào các dấu hiệu hình thức đặc trưng của từng tác phẩm, vào đặc trưng thể loại, ngôn từ hàm súc, biểu cảm, mang tính ước lệ tượng trưng, bố cục của văn bản, vào hình tượng nhân vật hay những tri thức lịch sử văn hóa liên quan đến văn bản để đặt câu hỏi gợi mở cho học sinh tìm hiểu vấn đề.
Hệ thống câu hỏi phải đảm báo bảo tính chất gợi mở dần dần để giúp học sinh tìm hiểu từng yếu tố, từng chi tiết, lí giải được từng phần, từng vấn đề, từ đó cảm thụ tổng thể văn bản.
Đồng thời, hướng dẫn học sinh từ cụ thể đến khái quát, từ hình thức đến nội dung, từ quan sát, phân tích đến những khái quát mang tính chất trừu tượng cao hơn.
Gợi mở ở mức độ cao hơn là tạo tình huống có vấn đề để đặt học sinh vào tình huống mâu thuẫn trong nhận thức phải vượt qua trở ngại để tìm tòi cách thức giải quyết, từ đó tiếp nhận tri thức, rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng nhân cách.
Vận dụng phương pháp này trong việc hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản Văn học trung đại Việt Nam thực sự cần thiết vì chúng có sự khác biệt khoảng cách thời gian, không gian, sáng tạo nghệ thuật, quan điểm và tiêu chuẩn thẩm mỹ, đặc trưng thi pháp.
Giáo viên thiết lập tình huống có vấn đề từ hoạt động tiếp nhận tác phẩm, phân tích các chi tiết nghệ thuật điển hình trong mối quan hệ với chủ đề tác phẩm, tư tưởng của tác giả. Từ đó, học sinh phải đứng trước một sự lựa chọn một phương án tối ưu giữa hai hay nhiều phương án tiếp nhận giá trị tác phẩm.
Vận dụng phương pháp so sánh
Giáo viên dựa vào những nét tương đồng và khác biệt của các hiện tượng, yếu tố văn học có liên quan để giúp học sinh nhận rõ hơn đối tượng đang phân tích, mở rộng về phạm vi hiểu biết đồng thời tìm hiểu một cách sâu sắc hơn về một nội dung kiến thức cụ thể.
Trong Văn học trung đại Việt Nam có rất nhiều yếu tố về ngôn ngữ, nghệ thuật, đề tài, chủ đề, nhân vât,... có những mối liên hệ tương hỗ nhau nên việc so sánh sẽ phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, cần lưu ý, so sánh là phương tiện chứ không phải là mục đích, vì vậy không được lấy nội dung so sánh để thay thế cho nội dung phân tích; không được xa rời với chủ đề của tác phẩm, phải hướng tới làm sáng tỏ tính chỉnh thể của tác phẩm; các dẫn chứng được so sánh phải thể hiện được sự tiêu biểu có lựa chọn.
Khi dạy học Văn học trung đại Việt Nam ở THCS, có thể so sánh những tác phẩm có cùng chủ đề, đề tài với nhau để khẳng định giá trị, đóp góp riêng của từng tác phẩm.
Mặt khác, giáo viên cũng có thể thực hiện việc so sánh với những tác phẩm cùng chủ đề, cùng đề tài của một tác giả, so sánh giữa những yếu tố hay những chi tiết của cùng một tác phẩm để giúp học sinh nhận thức sâu sắc hơn những giá trị của Văn học trung đại Việt Nam.
Vận dụng phương pháp giảng bình
Đây là thao tác quen thuộc đối với hoạt động dạy học tác phẩm văn học ở nhà trường, có nhiều lợi thế trong việc mang lại hứng thú, cảm xúc trong quá trình dạy học văn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để phát huy hiệu quả, giáo viên cần phải chọn đúng vấn đề giảng bình về nội dung hay nghệ thuật; lời bình phải phù hợp với đặc tính của văn bản Văn học trung đại Việt Nam;
Phải kết hợp nhuần nhị giữa ngôn ngữ giảng và ngôn ngữ bình; không tràn lan, nghe hay nhưng học sinh không nhận thức được cụ thể về một vấn đề của tác giả, tác phẩm.
Dạy học theo hướng tích hợp
Dạy học theo hướng tích hợp theo ba trục cơ bản là tích hợp ngang, tích hợp dọc và tích hợp liên môn (tích hợp ngoài văn bản) cũng là phương pháp phát huy hiệu quả trong dạy học Văn học trung đại Việt Nam hiện nay. Để tích hợp ngang, cần văn bản Văn học trung đại Việt Nam để cung cấp, rèn luyện những vấn đề liên quan đến văn học, tiếng Việt và Tập làm văn.
Để thực hiện tích hợp dọc, cần nắm chắc chương trình Văn học trung đại Việt Nam ở các lớp để có sự liên hệ, đối chiếu khi giảng dạy một tác phẩm cụ thể. Tích hợp liên môn là một lợi thế khi dạy Văn học trung đại Việt Nam cần có những tri thức về lịch sử, địa lý, về văn hóa học, triết học, về ngôn ngữ học,...
XEM THÊM: Cách tạo đề thi trắc nghiệm môn Văn lớp 6 học kỳ I
AZtest là hệ thống tạo lập website thi trắc nghiệm trực tuyến do CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VÀ DỊCH VỤ NGUỒN MỞ THUẬN ĐỨC phát triển. Với AZtest, người dùng có thể dễ dàng sở hữu một website tổ chức ôn tập, thi trắc nghiệm trực tuyến hoàn toàn miễn phí, độc lập, được cá nhân hóa theo yêu cầu của người quản trị.
Liên hệ hotline 02337774455 (Ext 3) hoặc Fanpage https://m.me/aztest.vn để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ kỹ thuật viên của AZtest.