Có muôn vàn lý do khiến công nhân dính vào vay nợ. Người vay vì lương không đủ sống, người vì muốn mua xe mới, điện thoại đẹp hoặc gửi tiền về quê cho gia đình chuẩn bị sắm tết...
Rồi có cả những trường hợp lỡ sa chân vào “kiếp đỏ đen”, thắng thua bởi mấy con gà cũng tìm đến chủ nợ.
Cuộc sống công nhân vốn dĩ đã túng thiếu, bẫy “tín dụng đen” lại giăng mắc khắp mọi nơi, dù vay được tiền cũng không giúp họ có cuộc sống tươm tất khi bị bủa vây trong vòng luẩn quẩn của nợ nần, vay trả...
Vay bằng... thẻ ngân hàng
Những con đường, hẻm nhỏ ở gần khu chế xuất Linh Trung II, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh mọc ra hàng chục tiệm cầm đồ hoặc trá hình dưới mác tiệm điện thoại, cửa hàng điện tử nhưng luôn có sẵn tiền cho vay bất cứ lúc nào. Dù không biển hiệu, không quảng cáo nhưng mọi công nhân ở trọ trong khu vực đều biết và không ít người đã trở thành khách hàng quen mặt của các chủ tiệm.
Anh Lê Quang Tiền (23 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) hiện là công nhân của công ty gỗ trong khu chế xuất kể vừa vay được 10 triệu để mua chiếc xe máy mới, tết này có phương tiện chạy về quê. Nung nấu ý định mua xe, anh gom được trong tay 10 triệu, vay thêm bạn bè 5 triệu và vay 10 triệu tại tiệm sửa điện thoại gần khu trọ.
Thủ tục vay rất đơn giản, anh Tiền chứng minh thu nhập qua tin nhắn chuyển khoản vào điện thoại, sau đó thì đưa thẻ ngân hàng (ATM) và chứng minh nhân dân (CMND) cho chủ nợ. Trong vòng 3 phút, anh Tiền được “giải ngân” 9 triệu nhưng phải gánh 10 triệu, 1 triệu là tiền lãi trong vòng 20 ngày. Quy trình trả nợ được tính đến ngày lương vào tài khoản.
Chủ nợ sẽ cùng người vay đi ra trụ ATM để rút và tất toán ngay. Nếu lương không đủ trả, chủ nợ tiếp tục giữ lại thẻ và tính lãi theo giá “phạt”, mỗi ngày thêm 100 ngàn.
Ngày 25-12, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ nhóm cho vay lãi nặng 40-60%/tháng.
Lần hẹn đầu tiên, lương anh Tiền không tăng ca nhiều nên chỉ được 7 triệu, không đủ trả. Anh Tiền xin khất tháng sau trả cả lãi và gốc là 12 triệu. Trong tháng đó, anh Tiền phải bóp bụng hết mức, đăng ký tăng ca hết công suất và tuyệt đối không dám bén mảng đi ăn uống, cà phê với bạn bè. Lương tháng trước dư được 3 triệu, tháng sau nhận tổng cộng 9 triệu, vừa đủ trả cho chủ tiệm để nhận thẻ ngân hàng về.
Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng, anh Tiền lại không còn một đồng nào để trang trải. Ai cũng khó khăn, cùng lắm chỉ vay được 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Anh Tiền cùng quẫn lại mang thẻ ngân hàng đi cầm cố. Lần này, sợ xấu mặt nên anh tìm đến tiệm cầm đồ xa hơn một chút, vay 5 triệu chi tiêu cho một tháng rộng dài phía trước.
Vòng xoáy nợ nần bám riết cuộc sống đời công nhân. Anh Tiền buồn bã cho biết, tết này mong được một khoản tiền thưởng để trả hết nợ nần, còn mình sẽ không về quê nữa mà ở lại nhà trọ cầm cự để ra năm đi làm, hy vọng sẽ không phải vay nợ để tồn tại.
Trả xong khoản nợ mua xe máy, anh Tiền lại rơi vào cảnh “cháy túi”, tiếp tục đi vay thế chấp để sinh sống.
Vòng xoáy vay - trả
Nhưng, anh Tiền còn may mắn hơn nhiều người, khi có thẻ ngân hàng, có CMND để cầm cố. Ông Trần Văn Tứ (45 tuổi, quê Nam Định) chỉ có đúng chiếc bằng lái xe, mọi giấy tờ khác đều bị thất lạc trong lần chuyển nhà trọ mới nhất. Ông Tứ làm nghề bốc vác tại chợ đầu mối Thủ Đức, cần tiền gửi về quê mua điện thoại cho con học online nhưng ông không có hợp đồng lao động, không có thẻ ngân hàng nên không có gì làm của tin. Người ta bảo bằng lái xe mất đi làm lại được, nhỡ ông chạy trốn thì biết đâu mà tìm. Ông Tứ phải nhờ người bạn làm bảo vệ sống cùng nhà trọ đi vay hộ. Cùng cảnh ngộ với nhau, bạn ông đồng ý mang CMND, thẻ ngân hàng đi vay giùm 5 triệu, thực tế được nhận 4 triệu sau khi đã trừ lãi.
Đúng 24 ngày, đến hẹn trả nợ, ông Tứ lại chưa đủ tiền, vì tháng đó ít ngày công lao động. Chủ tiệm gọi cho bạn ông dồn dập, nói không trả nổi gốc thì phải ra đóng lãi của đợt sau; lãi phạt 1 tháng là 1,5 triệu. Vét bằng sạch tiền trong túi, ông Tứ cũng hoàn thành nghĩa vụ trả lãi nhưng cũng lại như bao người trong cuộc khác, ông hết sạch tiền tiêu. Người bạn sống cùng bắt đầu giảm lòng kiên nhẫn và sự đồng cảm. Mối quan hệ bắt đầu giãn ra, nụ cười bớt đi, tiếng hục hặc tăng dần trong căn phòng trọ. Ông Tứ cố gắng lao động, cả ngày lẫn đêm để gom đủ 5 triệu trả nợ, cũng là giải quyết gánh nặng tâm lý cho ông và bạn. Rồi ông cũng trả được nhưng lại hết sạch không còn một đồng nào sinh sống và trả tiền nhà trọ trong tháng tiếp theo. Lần này, bạn ông không chịu giúp nữa, cũng không đồng ý bao tiền nhà trọ cho ông.
Chị Giang gồng mình sống trong cảnh nợ nần triền miên.
Cuộc chia tay dứt nghĩa đoạn tình diễn ra giữa đêm. Ông Tứ lặng lẽ gói quần áo, dắt chiếc xe máy cà tàng rời nhà trọ. Đêm hôm đó, ông ngủ dưới gầm cầu vượt Sóng Thần, Dĩ An, Bình Dương. Sáng hôm sau, ông trở về khu bốc vác của chợ đầu mối làm việc, ông được chủ hàng cho ở miễn phí trong nhà kho, sẵn trông hàng cho họ luôn. Những ngày giáp tết, lượng hàng hóa về chợ đầu mối nhiều, ông Tứ làm việc cả đêm, tiền kiếm được cũng khá, ông bảo sẽ để dành về quê ăn tết. “May là không còn nợ nần gì nữa, có ngủ bờ đường cũng thảnh thơi, nhẹ nhàng, không bị áp lực, không lo lắng, không bị gọi điện hăm dọa, chửi bới”, ông Tứ tâm sự.
Dù phải gồng lưng trả nợ vay nóng nhưng nhiều người cho biết, họ chấp nhận được với hình thức này, vì số tiền vay chỉ bằng với lương tháng, tệ nhất thì chịu phạt lãi thêm một lần nữa cũng sẽ trả hết. Họ lấy lãi trước nên không phải chịu cảnh lãi mẹ đẻ lãi con, rồi nợ chồng nợ dẫn đến mất khả năng trả. Ai cũng hiểu rõ kết cục của việc không trả nợ với dân “anh chị” sẽ bi đát đến mức nào nên các khoản vay đều được tất toán đúng hẹn bằng mọi giá.
Với các chủ tiệm cầm đồ, họ hoàn toàn yên tâm về đối tượng vay là công nhân. Lê Minh T., chủ tiệm sửa điện thoại trên đường số 4, khu phố 2, P. Linh Xuân, TP Thủ Đức cho biết, có ngày anh ta giải ngân hàng trăm triệu cho công nhân và người lao động. T. chỉ cho vay những đối tượng nhận lương qua thẻ kèm theo CMND.
T. khẳng định không một ai “chạy nợ” được vì thẻ ngân hàng anh ta giữ, biết cả mật khẩu, tên công ty. Nếu con nợ “xù”, anh ta sẽ vào thẳng công ty làm việc với chủ, còn nếu nghỉ công ty thì trên CMND có đầy đủ thông tin quê quán, anh ta cũng sẽ tìm về tận nhà. “Tôi cho vay cao nhất chỉ tới 20 triệu, còn trung bình từ 5-10 triệu, trong khả năng trả nợ và gánh lãi của công nhân. Họ trả xong lại vay, có người tháng nào cũng vay”, T. bật mí.
Các đối tượng trong đường dây “tín dụng đen” với lãi suất lên tới 1.000%/năm tại TP Hồ Chí Minh.
So với các app cho vay trực tuyến hoặc tổ chức “tín dụng đen” ngoài xã hội thì hình thức vay cầm cố thẻ ngân hàng tương đối phổ biến, lãi suất cũng thấp hơn đáng kể nên thu hút đông đảo công nhân, người lao động vay “nóng”. Cũng chính vì “ăn trước, trả sau” mà nhiều công nhân rơi vào vòng xoáy nợ nần triền miên quanh năm suốt tháng. Vợ chồng chị Hoàng Thị Hà Giang suốt 3 tháng nay đều phải vay thế chấp. Cứ tới tháng, công ty chuyển lương vào thẻ là chị Giang cùng chủ tiệm cầm đồ ra trụ ATM rút tiền. Trả hết nợ cũ, chị Giang lại gửi thẻ cho chủ để mượn tiếp cho tháng sau. Mượn 5 triệu trong vòng 25 ngày, lãi suất trừ ngay là 1 triệu, chị Giang chỉ cầm trong tay 4 triệu. Số tiền đó chỉ đủ nhà trọ, gửi con đi học là hết. Tiền ăn uống, sinh hoạt hằng ngày phụ thuộc vào những đồng bạc lẻ nghề bơm vá xe của anh chồng. Chị Giang tâm sự: “Giờ ngừng vay là chúng tôi bế tắc, tiền đâu đóng nhà trọ, tiền đâu gửi con. Đó là những khoản cố định, tháng nào cũng phải có và tháng nào cũng phải vay”.
Nhiều năm qua, “tín dụng đen” luôn bị cảnh báo, lên án, cơ quan chức năng cũng triệt phá nhiều vụ án lớn nhỏ liên quan đến “tín dụng đen”. Nhưng, bằng những chiêu thức và con đường khác nhau, “tín dụng đen” vẫn tồn tại len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, nhất là thời điểm người dân khốn khổ lao đao vì đại dịch và dịp cuối năm. Làm thế nào để ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen” vẫn luôn là câu hỏi lớn, rất nhiều kế sách đã được đưa ra bàn thảo nhưng dường như chưa có biện pháp hữu hiệu nhất. “Tín dụng đen” vẫn hoành hành nhức nhối.
Theo CAND (1.1.2022)
Xem thêm: Vay Tiền Online | App Vay Tiền