Sống giữa Thủ đô mà nhớ nhà da diết, đó là câu đùa mà mấy anh em phóng viên 7x ngày trước hay nói với nhau.
Hồi mới đi làm báo, cả phòng phóng viên chỉ có 1,2 chiếc máy tính, mọi người phải thay nhau ở lại toà soạn viết bài. Xong việc thường đã rất muộn, nhưng anh em vẫn giữ thói quen gặp mặt, giúp nhau soát lại bản thảo xem có sai sót gì không. Những hôm có tin bài quan trọng, anh em lại kéo đến nhà in Tiến bộ hay Hà Nội mới, cầm trên tay những bản in đầu tiên mới trở về nhà. Thế nên có một tình cảnh chung là khi về, thường thì bố mẹ, con cái đã đi ngủ. Sáng hôm sau khi thức dậy thì bố mẹ đã đi tập thể dục, con cái đã đến trường, có khi mấy ngày liền, dù không đi công tác ngoại tỉnh, mà vẫn không gặp mặt người thân trong gia đình. Mỗi khi chén tạc chén thù dưới hàng Sao đêm ở phố Lò đúc, ông Lưu Tường Lâm lại cám cảnh, sống giữa thủ đô mà nhớ nhà da diết.
Ngoảnh đi ngoảnh lại giờ đã hơn hai mươi năm. Cuộc sống đã quá nhiều thay đổi. Nhiều người giờ không còn có thể ngồi với anh em, điều kiện vật chất thì có thừa nhưng ngày này qua ngày khác vẫn phải đi bán thận, bán gan, hết phải đi sếp này lại phải đi đi với đối tác nọ.
Với những người còn lại, câu "nhà văn nhà báo nhà giáo nhà nghèo" giờ vẫn đeo đuổi. Ngồi với mấy a em cũ, tới quá nửa vẫn tiếp tục sống trong cảnh cuối tháng lĩnh lương lo trang trải cuộc sống, lo tiền học cho con, đến đầu tháng đã lại rỗng ví.
Bây giờ, nói chuyện với nhau, mọi người cũng chỉ dám bảo mình còn làm báo, không còn ai nói chuyện làm nghề. Được cái công nghệ thay đổi, không còn phải ngồi canh máy tính ở toà soạn nên có thể dành thời gian cho gia đình, không đến nỗi sống giữa Thủ đô mà nhớ nhà da diết nữa.