Có lẽ, ít có nơi nào trong cả nước lại có những mô hình đèn trung thu độc đáo như ở Tuyên Quang. Hơn chục năm nay, cứ mỗi độ thu về, phố phường Tuyên Quang lại bừng lên một màu sắc lộng lẫy...
Xuất phát từ những ý tưởng và tình yêu đối với trẻ em, bắt nguồn từ một sân chơi trong đêm Trung thu của trẻ em, người dân thành phố Tuyên Quang đã có những cách làm sáng tạo, góp phần làm đặc sắc thêm một lễ hội dân gian. Đặc biệt, từ năm 2014, lễ hội được nâng tầm lên quy mô cấp tỉnh thì Lễ hội Trung thu ở Tuyên Quang đã vươn tầm quốc gia, thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong cả nước và quốc tế. Và cũng từ năm 2014, Lễ hội Trung thu Tuyên Quang được mang tên là Lễ hội Thành Tuyên.
Cách đây hơn 10 năm, vào dịp rằm Trung thu năm 2004, một số người dân ở tổ 5, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang đã rủ nhau làm những chiếc đèn ông sao, mô hình con giống để cho trẻ em đi rước trên đường phố. Và các hộ dân ở đây đã có ý tưởng làm các mô hình con giống khổng lồ để cho trẻ em rước trong đêm Trung thu. Ý tưởng đã được bà con trong tổ hưởng ứng nhiệt tình và góp tiền thực hiện. Những nhân vật trong truyện cổ tích đã bước ra đời thực trước sự ngỡ ngàng, vui sướng của con trẻ. Các mô hình đã được thực hiện như: “Trí khôn của ta đây”, “12 con giáp”, “Anh hùng tương ngộ”… Đặc biệt đến năm 2006, mô hình “Đám cưới chuột” với những hình ảnh ngộ nghĩnh, mô tả lại đám cưới chuột dân gian khi rước trên đường phố đã thu hút hàng trăm người dân các tổ dân phố đến xem.
Từ đó, phong trào làm mô hình đèn Trung thu đã lan rộng khắp các tổ dân phố, thôn, xóm trong thành phố. Từ chỗ chỉ có gần 20 mô hình được làm trong những năm đầu, đến nay con số đã lên đến gần 200 mô hình. Nhận thức được đây là một trong những yếu tố rất hiệu quả để thu hút khách du lịch đến với tỉnh, từ năm 2008, thành phố Tuyên Quang đã tổ chức thi mô hình đẹp. Mỗi mô hình mang đậm dấu ấn của sự sáng tạo, đoàn kết của người dân. Đó là sản phẩm hội tụ đầy đủ sức dân cả về vật chất và tinh thần, không chỉ 100% các tổ dân phố xã hội hóa làm các mô hình đèn trung thu mà cả các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cũng đóng góp để xã hội hóa tiền giải thưởng. Riêng trung thu năm nay, nếu tính bình quân mỗi mô hình chi phí hết gần 30 triệu đồng, thì số tiền có thể tính lên tới 6 tỷ đồng, đây là số tiền do người dân và một số doanh nghiệp tự nguyện đóng góp. Có được điều này là bởi ở Lễ hội Thành Tuyên, người dân đóng vai trò chủ thể, người dân sáng tạo ra mô hình, nên họ tự nguyện đóng góp để xây dựng các mô hình ấy. Có thể nói mỗi mô hình là một sự sáng tạo, độc đáo gửi gắm tất cả tâm huyết, trí tuệ của người dân để làm nên một Lễ hội Thành Tuyên lộng lẫy, lung linh sắc màu mỗi độ Trung thu về.
Từ năm 2014, Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến với thành phố Tuyên Quang. Lễ hội độc đáo này đã được sách kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận là lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu lớn nhất Việt Nam.
Lễ hội Thành Tuyên hàng năm được tổ chức thường gắn với các hoạt động văn hóa phong phú như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật trong, ngoài nước và trong tỉnh; Cuộc thi người đẹp Thành Tuyên; Cuộc thi đường phố sạch đẹp, văn minh; Thi Mâm cỗ Trung thu đẹp; Lễ hội Bia và ẩm thực “Hương vị xứ Tuyên”, giúp du khách biết thêm nhiều món ẩm thực của Tuyên Quang như xôi ngũ sắc, cơm lam, thịt trâu khô, mắm cá ruộng, thịt chua... Năm nay, Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức gắn với Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ V. Qua lễ hội này nhằm quảng bá, giới thiệu một Tuyên Quang đang vươn mình phát triển.....
Một trong những hoạt động chính của lễ hội là Đêm hội Thành Tuyên với chủ đề “Lung linh sắc màu đêm hội Thành Tuyên”. Mỗi tổ dân phố tự làm một mô hình độc đáo để cùng góp vào bữa tiệc Trung thu đặc sắc này. Đây là những mô hình đèn Trung thu khổng lồ, mô phỏng theo các truyện cổ tích, dân gian và từ thực tiễn đời sống, lao động sản xuất của nhân dân. Các mô hình đèn trung thu vừa mang tính truyền thống vừa xen lẫn hiện đại, nguyên liệu để làm mô hình chủ yếu bằng tre và những vật liệu sẵn có do nhân dân ủng hộ, có ứng dụng thêm khoa học công nghệ để các mô hình thêm phong phú, sinh động. Năm nay, ngoài ý tưởng chủ đạo là những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, truyền thuyết lịch sử, nhiều tổ dân phố còn lấy ý tưởng mang tính thời sự; có nhiều ý tưởng liên quan đến tích Cá chép trông trăng, Cá chép hóa rồng, chủ đề về biển, đảo và những ý tưởng khác như Đám cưới chuột, Rùa và Thỏ, đôi dê vàng... Các mô hình phần lớn được thiết kế động, không đơn thuần chỉ là một con giống lớn, mà còn có thể cử động một cách linh hoạt, có sử dụng ánh sáng để tạo hình khối rất đẹp, như mô hình mô phỏng cô Tấm bước ra từ quả thị trong truyện "Tấm Cám"; mô hình cá chép hóa rồng; mô hình chim hòa bình, mô hình con khủng long… Với những câu chuyện cổ tích và những câu chuyện lịch sử tái hiện lại chân dung các vị anh hùng dân tộc như Thánh Gióng, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, các tổ dân phố đều muốn gửi gắm một thông điệp mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với các cháu thiếu nhi.
Lễ hội Thành Tuyên năm 2015 có 92 mô hình tham gia diễn diễu là 92 ý tưởng khác nhau hết sức đa dạng, phong phú được lựa chọn từ gần 200 mô hình đèn Trung thu ở các xã phường. Các mô hình được chọn lựa này đảm bảo các tiêu chí: Có điểm mới trong sáng tạo, lung linh về ánh sáng và giàu ý nghĩa giáo dục. Ngoài ra còn phải đạt yêu cầu an toàn về điện, về cháy nổ, về giao thông và đảm bảo văn minh, lịch sự trong quá trình diễn diễu. Đặc biệt năm nay, Lễ hội Thành Tuyên không chỉ có các xã phường của thành phố tham gia mà còn có các huyện khác trong tỉnh cũng tham dự mô hình, như huyện Hàm Yên với mô hình cam sành - một đặc sản của huyện đã lọt vào top 50 loại trái cây ngon nhất Việt Nam; huyện Nà Hang với mô hình hũ rượu ngô đã đạt kỷ lục Guiness Việt Nam; huyện Chiêm Hóa với mô hình chiếc cọn nước khổng lồ… Qua đó, nhằm giới thiệu với du khách thế mạnh phát triển kinh tế, cũng như cơ hội để quảng bá những tiềm năng du lịch, những sản phẩm độc đáo mà địa phương mình đang có.
Lễ hội Thành Tuyên là lễ hội của nhân dân nên có sức sống mạnh mẽ. Lễ hội Thành Tuyên năm 2015 thêm một lần nữa khẳng định, đây là lễ hội thu hút tinh thần tự nguyện, khả năng sáng tạo, sự tài hoa, khéo léo và thẩm mỹ tinh tế của người dân Tuyên Quang. Lễ hội Thành Tuyên năm 2015 là sự nâng cấp và hoàn thiện ngày càng trở nên quy mô hơn, khẳng định một thương hiệu riêng có của Tuyên Quang - một lễ hội độc đáo mang ý nghĩa nhân văn cao cả, tất cả vì “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, “Hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”.