truyện ngắn của lê thu thùy

in write •  6 years ago 

tôi làm con bò
trong cơn đau dài tôi nghe loáng thoáng tiếng của thằng bạn một thuở từng chung sách chung đèn bảo rằng: bây giờ mày như cá nằm trên thớt. tôi ứa nước mắt trước cái vẻ khóai trá của nó. đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao một thằng con trai như nó lại luôn đem lòng đố kỵ với bọn đàn bà. hồi còn du học hắn “nối khố” với một cô bạn giờ là giảng viên đại học ở sài gòn. cả hai đều cầu tiến nhưng hắn chẳng bao giờ hơn nổi chị ấy và rồi lòng đố kỵ với đứa bạn gái đầy ứ không có chỗ chất chứa nổi hắn quyết đi vào con đường văn chương. hắn tin mình sẽ là thống soái trên văn đàn, nhưng mới những bước chập choạng hắn nhận vô số quyết định kỉ luật, có vụ hắn viết: “dân phải ăn xương rồng chống đói”, đấy là chuyện ở bình dương và hắn bị buộc thôi việc, lần đó không nhờ cô vợ chịu thương, chịu khó, và sự hậu thuẩn của cha mẹ vợ chắc chắn cả nhà hắn phải chống đói bằng những thứ tượng tự như xương rồng. không hiểu sao đã đồng bệnh tương lân hắn còn chơi trò chụp mũ sau lưng tôi, để rồi tôi nhiều lúc hình dung khuôn mặt hắn sau chiếc mặt nạ dày mo, dày đến mức nếu hắn muốn ai đó nhổ vào mặt hắn thử hắn có thấy nhục không thì nước bọt cũng chỉ sượt qua cái mặt nạ kì cục đó chứ chẳng bao giờ dính vào bản mặt hắn. tôi chỉ còn biết cười, cái cười này hoàn toàn được trời phú và cũng vì lẽ ấy mà chẳng ai tin tôi có thể ha hả cả khi bị bao vây bởi những kẻ ăn thịt người. thường xuyên tôi bị cả một đám đông qui kết, thi hành án.
ở đâu chứ xó nhà quê miền trung này người cầm bút được xem là có nghề nghiệp cao quý nhất, chẳng vì thế mà những ai không biết luồn lách trong nghề, văn nô, bồi bút ăn lương mà còn cố sức viết hay rất có thể bị chết đói nếu chưa đến nông nỗi phải vào tù hoặc bị khai trừ, thậm chí phải tự khai tử, vì lẽ đó mà có một anh láng giềng lớn tuổi sau ba mươi năm ra phố làm phóng viên báo công an và chánh đại diện một tờ báo đảng đã dại dột mở blog để chơi và mấy ông lãnh đạo nhà nước bị anh ta đem ra chơi đểu nhất. một ngày đẹp trời cảnh sát áp giải anh ra hà nội nhốt vào hỏa ngục.
từ thuở đám bạn của thằng người tôi nửa yêu nửa mến vẫn thích và gọi tôi là đứa con gái vui nhất trái đất mà hắn, mong thấy tôi lúc nào cũng vui đã không ngần ngại cho tôi chết với những đòn trí mạng không vì lý do gì hết, cứ vô tư vu oan, giá họa. mà cần gì lý do: chỉ riêng cái mác “vui nhất trái đất” dù không cho người mua vui thì tôi vẫn khóc cho đến nước mắt chảy pha máu và tự hỏi đến giờ không biết có còn ai gọi tôi là người đàn bà khôi hài nửa không. tôi biết mình có tài gây cho người khác ấn tượng là cô gái luôn cười cợt. điều này không phải dễ với một phụ nữ, càng không dễ khi người phụ nữ ấy đã quay về quê, những thằng bất nghĩa, bất lương cứ hỏi thăm sức khỏe như cơm bữa. từ ngày về quê tôi thích nhìn mình trong gương, moi móc từng nét đanh đá của mình nhưng tôi thật sự thất vọng vì khổ đau trông tôi rách nát hơn là quá quắt như tôi vẫn muốn. tôi từng lên phố để mưu sinh và thành phố buộc tôi cắn răng cười thường trực. cũng biết mình đâu dễ đe dọa giết ai đó nếu kẻ ấy vô cớ muốn làm gì mình thì làm, kể cả làm cái việc vô nghĩa như lấy mạng mình bằng một liều thuốc độc hoặc một phát súng, một vụ tai nạn giao thông. tôi có thói quen lang thang lại ngơ ngáo trước bầy đàn nên một tai nạn với tôi xem ra dễ thuyết phục. còn nhớ có thời gian dài công an đã truy lùng tôi khiến tôi hiểu là họ bệnh họan hoặc bị ám thị bởi nhiều kẻ mắc chứng bạo dâm... bao giờ cũng bắt đầu từ nguyên cớ. mà hỡi ôi! nguyên cớ là thứ dễ bịa tạc nhất, chẳng vì thế mà ngày xưa, nguyễn du đã cho thằng bán tơ lên phủ đường xưng xuất, vu oan cụ vương thế là chính hắn cũng không hiểu nỗi tại sao nạn nhân của hắn phải chịu một tai họa khủng khiếp đến thế. khủng khiếp đến nỗi thời đại văn minh này, không ai xử tội phạm kiểu “rường cao rút ngược dây oan” cả cha lẫn con như dưới thời gia tĩnh triều minh, mà tôi thì ngày hằng sống, hằng tin một chủ nghĩa nhân đạo thống lĩnh xã hội này, để mình tuy như cá nằm trên thớt vẫn có thể cười được, chơi được theo cách của những kẻ đã phá sản đang chơi bạc bằng những đồng tiền ăn xin.
tôi xài phí thời gian trong cuộc chơi vô bổ và cũng ít nhiều hiểu rằng, có ngao du thiên đàng hay địa ngục thì cả hai chốn ấy chẳng bao giờ dung nạp mình. bóng tối vẫn bủa lưới như thể tôi đang trẫm mình giữa dòng nước đen đục. tôi bỗng thích tưởng tượng mình tan biến đi, vô hình chỉ tồn tại trong một thứ âm thanh thảm thiết nhất: tiếng quạ! “tại sao lại là tiếng quạ?” có lần chị gái tôi hỏi thế, tôi cắt nghĩa: “loài quạ thường báo điềm lạ! chị có bao giờ để ý tiếng quạ kêu, quạ tru không? nó giống như người đem đến tai ương.” tôi cũng là kiểu tai ương đối với gia đình: trẻ đẹp tài hoa, thông minh.. sao tôi không kiếm một đám hời ngất xây đời lên tột đỉnh nhân gian. chị tôi là một người đàn bà phù phiếm nhưng tôi không ghét chị ở cái thói phù phiếm ấy, tôi chỉ ghét cái thói ghen tức kì cục nhất mà chị dành cho em gái mình. ngay từ hồi còn rất nhỏ tôi đã xung khắc với các anh, chị ruột. họ cứ làm như thể tôi dành hết ân sủng trần gian và để họ chịu tội nợ không bằng hoặc giả họ độc ác và chỉ độc ác với riêng tôi. chẳng bao giờ khắc chế được điều này và tôi thực sự khổ sở. xưa kia, khi cả hai chị em còn trinh bạch những giấc mộng tôi luôn muốn chị đi thật xa để tôi không phải chứng kiến cái sự thể đáng thương ở chị. mà chị luôn biết giữ cái sự đỏng đảnh, phù phiếm và đèm đẹp của mình đến nỗi chị biết làm cho người đời thích chị. như thế cũng chả sao nhưng vì được thích mà chị cứ moi móc để tôi phải thấy tôi quái đản lắm, tôi không được như chị, thêm lần nữa trò hiềm khích của hai chị em gái buộc tôi phải muốn xa chị ở cái tuổi mà mọi ước mơ đã được xài sạch nhẵn. lần này kẻ đi là tôi.
ngày xưa tôi muốn chị đi xa thế là chị bay thẳng qua liên xô, chị rong ruổi gần mười nước cộng hòa. hơn năm năm trở về chị như con mèo ốm nhách và chị cáu kỉnh: “dân đi nga chỉ ăn cháo rìu!”. tôi thường có những chuyến đi xa ngòai ý muốn, lần này thay vì làm một du sinh tôi chỉ xê dịch trong phạm vi năm ki lô mét cách nhà mình bởi đơn giản mẹ mất rồi, không ai lo tiền cho tôi đi xa hơn.
chị tôi bảo: “đi như thế thì đi làm gì?” tôi nổi khùng: “tôi muốn đi khỏi nhà là tôi đi được!” chị chì chiết: “muốn gì được nấy, sao không muốn tiền?”.
chưa bao giờ tôi buồn như lần này. cái người đàn bà là chị ruột lớn hơn tôi ba tuổi đã nói với tôi như thế đó. chị đã rất muốn có tiền, muốn đến mức vét sạch hầu bao của cha mẹ làm một chuyến xuất ngoại với hi vọng kiếm được nhiều tiền vậy mà chị đếch kiếm được gì để đem về ngoài căn bệnh thời khí của xứ sở giá rét. tôi biết ở cái nơi đất trũng đồng hoang này nhiều người xứ khác đến lập nghiệp tiền của vẫn vào túi họ như nước, nhưng với chị em tôi mà hỏi tiền, tiền cười khẩy: còn khuya!
trong phòng trọ cạnh khu công nghiệp tôi tự hỏi mình muốn có nhiều tiền vậy mọi thứ có xảy ra theo ý muốn của mình không? mấy tên nước ngoài đến đây làm ăn cũng ma cà rồng ớn lạnh, chúng mà cắn ai thì họ hóa ma chó sói, cứ theo thể thức ấy mà cắn xé lẫn nhau. bọn chúng không những nô dịch dân nghèo còn tạo ra một thứ quái thai nửa chó điên nửa ma quỷ, chúng lắm nanh vuốt và giỏi hút máu người lao động. suốt mấy năm nay tôi trầy trụa, thương tích, thiếu đói, cay cú vì kiếm việc làm để có tiền thế nhưng chưa bao giờ tôi muốn có tiền. tôi thường bảo: tôi không muốn điều gì nữa hết! khi biết tôi không muốn gì nữa thì cha, mẹ, anh chị, cháu chít họ mạc của tôi tức điên lên vì không chịu nỗi cái con người ngu xuẩn của tôi. họ chỉ muốn tôi biết mình ngu như cách họ nhìn nhận. biết mình ngu cũng là lúc tôi nghe đâu đó trong vô hình những tiếng rống phát: uồm ò bo o ò!

  • trời ơi!
    tôi thảng thốt. tôi từng tưởng tượng mình trong trạng thái tiếng kêu lòai quạ vậy mà cuối cùng tôi nhận ra nó giống con bò hơn.

  • mày ngu như con bò ấy!
    ông anh hung ác của tôi chửi vậy và tôi thấy rằng mình phải chiều theo cách nhìn của ổng vì rõ ràng chẳng đời nào ông ấy hiền lành để có thể cho tôi cơ hội làm một con gì đó khác hơn con bò. một con bò thì chỉ biết gặm cỏ đó là chưa nói nếu người khác muốn thọc huyết thì dù có khả năng tự vệ cũng không thóat. gây nợ máu với một con bò dễ hơn với một con sói, con sư tử, con ngựa mà.
    tôi hỏi thảo, cô bạn thân nhất vốn khôn ngoan và xinh đẹp rằng:
    từ nay trở đi tao làm một con bò thì liệu tao có thóat cảnh nghèo mà từ trước đến giờ tao lâm phải không?
    thảo nhìn tôi ra chiều suy nghĩ. vợ chồng thảo vẫn cưu mang tôi vào những lúc tôi khốn quẫn nhất. tôi yêu quý nó biết bao. tôi biết mình làm một con bò nó sẽ mất một người bạn. tôi đánh mất mình thì nó còn tôi sao nổi? nó giúp đỡ tôi bao phen chỉ vì tôi là tôi chứ không phải tôi là bò. tôi đọc trong đôi mắt tuyệt đẹp của thảo một niềm thương xót sâu xa, thế nhưng tôi đã suy tính và quyết định:

  • từ nay trở đi tao chỉ là bò thôi! mày hiểu không? tao đang do dự là không biết mình làm bò xong sau đó để mặc cái con bò ấy đi kiếm tiền, hay là chỉ mong muốn được giàu và khi có được những gì mình muốn thì hãy đã làm bò.
    thảo có tất cả những thứ mà nó mơ ước dù chưa bao giờ phải làm bò. tôi từng bảo chồng thảo: “vợ anh là một hằng nga”. anh hỏi: “hằng nga là sao”? tôi vui vẻ: “hằng nga là tiên nữ còn vướng nợ hồng trần”.
    chồng thảo không biết tôi nói thật hay hài hước.
    cái thằng bạn có chiếc mặt nạ thiện xảo lại bảo tôi: “bây giờ mày mới làm bò thì muộn quá!”.

  • tôi đáp: “cái gì cũng nên từ từ.”.

    tôi từng thân thiết với một người đàn ông, vì tình bạn tôi đã chịu mọi hệ lụy, phiền toái. bọn anh học thiền và tôi bị rủ rê. chúng tôi đều bị đẩy ra bên lề xã hội. nhà nước không cho bọn anh xây dựng hội thiền định, các anh bị tẩy chay, bị bắt giam. anh viết một thỉnh nguyện thư gửi thủ tướng chính phủ xin miễn trừ khủng bố. anh chết trong tù không rõ bị thủ tiêu hay đau nặng. anh muốn làm sứ giả của thượng đế dù anh chỉ là một nhà văn quèn. anh uống những chén đắng nhưng không “tử vì đạo” được như anh trông đợi. tôi nói với mọi người là anh tự sát. người thân của anh chỉ quen bảo rằng anh đã “qua đời”. riêng với chính mình tôi chưa bao giờ thấy anh đã chết thật sự. có gì lạ đâu: anh như đã đi đâu đó quá xa, xa đến mức anh không quay lại nữa hoặc chưa muốn quay lại. anh như nói với tôi vào cái lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau: “tôi đang làm gió qua truông thiên đàng”.
    chúng tôi vốn yêu những nhạc phẩm của trịnh. tôi luôn tự hỏi: có bao nhiêu con bò thích nhạc trịnh. khi nghĩ về cái cách anh qua truông thiên đàng, tôi muốn bằng cách này hoặc cách khác anh đừng quay lại nữa, có quay lại nơi đây anh cũng chỉ làm con người thừa. anh có vẻ buồn trong một buổi chiều anh đối thọai với tôi qua thần giao cách cảm:

  • tại sao em không muốn anh quay lại nơi đây?
    tôi hỏi:

  • chỗ của anh hiện tại có tệ lắm không?
    anh tỏ ra quan trọng:

  • ổn lắm.
    tôi bỗng tức khí:

  • vậy anh quay lại đây làm gì? lâu nay kể từ cái ngày anh qua truông thiên đàng ấy em phải làm con cá nằm trên thớt.
    phải công nhận là tôi hồ đồ. tôi cứ đinh ninh như anh là trịnh nhạc sĩ nhưng chắc chắn anh chẳng bao giờ là trịnh để vừa lưu thân mỏi mòn vừa qua truông thiên đàng mà vẫn thấy mình như đá. và rồi tôi bỗng bàng hoàng: chỗ của anh chưa bao giờ là truông thiên đàng. còn anh ở đâu mà “ổn lắm”. trông anh quá tội nghiệp khi thật sự ốm yếu nhưng anh không giống những linh hồn khắc khoải trong cõi hư vô.
    tôi bảo:

  • nếu chỗ hiện tại của anh không tệ hơn đây thì cứ yên vị. em thì chẳng biết phải đi đâu về đâu?

  • bộ em cứ nằm mãi trên thớt chờ dao như vậy sao?
    tôi muốn nói: “anh cút đi!” ai mà chẳng yêu quý sự sống của mình. tôi thà làm con bò và tiếp tục gặm cỏ vỗ béo, dù biết rằng bò hay trâu hay bất cứ giống gì thì cuối cùng không chui vào bụng lòai thú khác kể cả lòai thú hai chân như lòai người thì cũng chui xuống đất hoặc ra tro bụi.

  • không biết làm bò thì em sẽ ngu ngốc hơn hay khôn ngoan hơn anh? chúng ta chưa bao giờ biết mình làm gì thì đúng nói chi cái vụ anh ngông cuồng đi làm sứ giả của thượng đế.

  • em còn cơ hội để quán xét rằng: đức phật làm gì, nói gì cũng đúng. em đã bảo em sẽ là người truyền thừa.
    có phải một lần tôi nói vậy với anh không?
    tôi chua chát:

  • mấy ngàn năm rồi. dấu vết người xưa đã mịt mờ. những gì được ghi lại trong sách vở ngày nay không biết có đúng với những điều từ thuở sinh tiền đức phật đã dạy, đã làm không?
    anh phẩy tay như thể muốn nói cùng tôi cái việc khó khăn nhất anh đã làm xong dù chẳng biết nó đúng hay không, có ai cần thiết không rồi anh ra đi, không quên ra dấu rằng anh chẳng bao giờ quay lại nữa. nếu còn cơ hội anh sẽ tống khứ những gì anh đã thu nạp suốt bao năm làm kiếp con người.
    tôi vẫn chưa biết làm con bò thì mình bắt đầu từ đâu và như thế nào. hiện tại tôi chẳng có gì nhưng xung quanh tôi cỏ nhiều lắm. tôi nhai cỏ với tất cả niềm háo hức của lòai vật nhai lại và tôi biết mình chưa bao giờ khôn.
    tôi cũng biết nàng hằng nga yêu quý sẽ mất mình. gần mười năm nay tôi đã quen với mọi mất mát. trước kia thì trắng tay. rất có thể sau này tôi thành kẻ ăn may! ngay bây giờ tôi tự chúc mình may mắn.

                                                                     lê thu thùy
Authors get paid when people like you upvote their post.
If you enjoyed what you read here, create your account today and start earning FREE STEEM!